top of page
  • anhlt16

Tìm kiếm, thấu hiểu và theo đuổi tới tận cùng của đam mê: Hành trình sự nghiệp của Art Director

Rẽ ngang khỏi con đường trở thành một kiến trúc sư và đi theo tiếng gọi của đam mê nghệ thuật, Nguyễn Thanh Hiệp đã tự mình vượt qua một hành trình dài nhiều thử thách và khó khăn trước khi trở thành Art Director tại DeeDee Animation Studio.

Trên chính hành trình này, anh đã tự mình học hỏi để phát triển và hoàn thiện bản thân cả về tay nghề, kỹ năng cũng như các phẩm chất cần thiết để dần khẳng định vị trí là một trong những nhân sự chủ chốt của công ty sản xuất hoạt hình hàng đầu Việt Nam.

Hãy cùng Thanh Hiệp nhìn lại chặng đường đã qua, khám phá những điều thú vị trong nghề và lời khuyên chia sẻ từ một Art Director dành cho các bạn trẻ đam mê với lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình trong bài phỏng vấn dưới đây.


Nguyễn Thanh Hiệp


Chức danh:

Art Director

DeeDee Animation Studio

Nơi làm việc:

Hà Nội, Việt Nam

Dự án đã thực hiện:

Chimimo

Honda: Vui Giao Thông

Super Artist

Warhammer

Đại Hiệp









Bước ngoặt trên con đường theo đuổi đam mê


Cơ duyên nào đã đưa anh đến với lĩnh vực làm phim hoạt hình?

Từ khi học phổ thông, tôi đã biết bản thân có năng khiếu về mỹ thuật. Tuy nhiên lúc đó, định hướng nghề nghiệp cho tương lai vẫn khá mơ hồ và ít ỏi. Ở Việt Nam, những người biết vẽ, thích vẽ và vẽ đẹp hầu như chỉ có hai con đường để đi là mỹ thuật hoặc kiến trúc. Tôi đã lựa chọn học về kiến trúc.

Trong quá trình học, tôi dần nhận ra mình không thực sự thích và phù hợp để trở thành một kiến trúc sư. Tôi thích vẽ những thứ đơn giản như hoa cỏ, cây cối, nhân vật…thay vì nhà cửa hay nội thất. Đó là lý do sau khi ra trường tôi không theo ngành kiến trúc mà vào làm tại một công ty phát triển game. Theo hiểu biết của tôi lúc ấy, game là lĩnh vực gần nhất với những thứ mà bản thân tôi muốn làm.

Vài năm sau, một người bạn làm trong mảng hoạt hình đã rủ tôi gia nhập ngành này. Lúc đó, dự án game mà tôi tham gia khởi nghiệp đang không thành công. Chán nản và muốn đổi gió, tôi đã nhận lời tham gia công ty hoạt hình với bạn mình. Mọi thứ thay đổi hoàn toàn vào thời điểm đó, tôi thấy mình rất thích làm hoạt hình và đã quyết định sẽ chọn con đường này để đi lâu dài.


Những khó khăn và thách thức nào mà anh đã phải vượt qua khi chuyển từ lĩnh vực game sang sản xuất hoạt hình?

Phong cách nghệ thuật và phong cách vẽ của game và hoạt hình hoàn toàn khác nhau. Do đó khi đổi hướng sự nghiệp, tôi phải học lại từ đầu. Tôi như một trang giấy trắng, bắt đầu từ vị trí học việc Background Artist. Tôi đã học từ những người giỏi hơn mình, các đồng nghiệp xung quanh sau đó tiến bộ dần lên. Kết quả của quá trình được thể hiện qua các vị trí công việc mà tôi đã trải qua. Sau gần 2 năm học việc, tôi trở thành trưởng nhóm của đội ngũ Background Artist ở công ty cũ. Vào thời điểm trước khi nghỉ việc, tôi được giao vị trí về design nhân vật, quản lý chung cho cả một dự án lớn ở công ty.


Sau 4 năm làm ở công ty hoạt hình đầu tiên, tôi rời khỏi đó với mong muốn tìm kiếm những thử thách mới và cơ hội để phát triển bản thân. Khi tìm kiếm một công việc liên quan đến hoạt hình, cái tên DeeDee Animation Studio là kết quả xuất hiện đầu tiên và nổi bật nhất. Do đó tôi đã không ngần ngại ứng tuyển vào vị trí Art Director. Mới đó mà gần 3 năm trôi qua.




Hành trình ‘thấu hiểu’ bản thân, đồng nghiệp và khách hàng


Công việc của một Art Director tại DeeDee Studio bao gồm những gì? Nó có gì khác so với những công việc anh từng làm trước đây?

Vị trí Art Director ở DeeDee có nhiệm vụ khá đa dạng và liên quan tới nhiều mảng khác nhau. Khái quát thì tôi làm các công việc liên quan đến phần tiền kì cho các dự án phim hoạt hình, TVC quảng cáo cũng như các series phim độc lập của công ty.

Cụ thể hơn, sau khi nhận một bản yêu cầu từ khách hàng, tôi cần đọc và tìm hiểu kỹ mọi nội dung về sản phẩm hay kịch bản của phim. Bất cứ điều gì chưa rõ ràng hay lấn cấn tôi sẽ phải trao đổi lại trực tiếp với khách hàng để hiểu một cách cặn kẽ và rõ ràng nhất có thể. Sau đó, tôi sẽ tiến hành làm storyboard và các công việc của khâu tiền kì như thiết kế nhân vật, thiết kế background…


Khách hàng khi đưa yêu cầu thường bao gồm cả hình mẫu về phong cách thể hiện mà họ mong muốn. Tôi sẽ phân tích xem phong cách đó có đặc điểm gì về nghệ thuật sau đó, tạo ra một bản hướng dẫn hoặc bộ quy tắc để các thành viên trong nhóm vẽ background hay animator có thể hiểu và xử lý. Việc này sẽ giúp sản phẩm hoàn thiện có sự thống nhất chung. Đó là lý do Art Director phải là người có tầm nhìn bao quát và thống nhất được các phong cách khác nhau của từng thành viên.


Hai ảnh được chụp từ hai dự án phim hoạt hình là Chimio và Honda Vui giao thông
Hai trong số các dự án nổi bật của DeeDee Studio mà Thanh Hiệp tham gia thực hiện.

Trên thực tế, phong cách nào cũng có một logic hoặc nền tảng riêng chứ không tồn tại một cách ngẫu nhiên. Khi làm việc, cần giải thích cho mọi người biết nền tảng và nguồn gốc của phong cách đó, để họ hiểu được gốc rễ. Sau đó mới đưa ra những bộ quy tắc chung. Nhờ đó, dù mỗi người có tư duy và phong cách vẽ khác nhau, họ vẫn có thể cùng tạo ra sản phẩm cuối cùng đúng với phong cách mà khách hàng yêu cầu cho từng dự án.

Ngoài ra, Art Director cũng cần liên tục cập nhật về công cụ làm việc, kỹ thuật và các quy trình làm việc mới để cải thiện thêm kỹ năng cho bản thân cũng như đội nhóm của mình. Cần phải biết ở bên ngoài kia, ngành công nghiệp hoạt hình đang vận động ra sao, các đồng nghiệp khác đang làm gì và xem có thể học hỏi hay áp dụng điều gì về cho studio của mình hay không. Cần luôn học hỏi và quan sát để đảm bảo mình không bị tụt hậu so với thế giới.

Bên cạnh đó, một Art Director giỏi cũng cần phải có khả năng đào tạo, truyền đạt, xây dựng giáo trình để rèn luyện cho các thành viên mới trong team, giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và tay nghề. Cần chuẩn bị hành trang để sau này các bạn đó có thể trở thành trưởng nhóm hoặc Art Director tương lai.

Điều gì làm nên sự khác biệt của DeeDee so với các công ty hoạt hình khác?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì có lẽ đó chính là sự đa dạng. Tại Việt Nam, so với các công ty trong ngành, DeeDee là một trong số ít các đơn vị có thể làm đa dạng nội dung hoạt hình. Chúng tôi làm từ các dự án từ quảng cáo, series phim dài tập, thậm chí cho tới cả những dự án thuần nghệ thuật. Phong cách sản phẩm cũng rất đa dạng, từ cartoon đến anime. DeeDee chưa bao giờ ngại một sự thay đổi hay thử thách gì về sản xuất hoạt hình.

Quá trình làm việc tại DeeDee đã giúp tôi phát triển và học hỏi được rất nhiều thứ, cũng như khai phá những kỹ năng mới của bản thân. Khi làm việc ở một môi trường giúp bản thân có cơ hội hoàn thiện và phát triển, rõ ràng bạn sẽ muốn gắn bó lâu dài với nó hơn.

Làm cách nào để cân bằng giữa “cái tôi” bên trong mỗi nghệ sĩ với áp lực deadline hay quan điểm riêng của khách hàng?

Khi làm một sản phẩm thương mại, cần xác định ngay từ đầu đó không phải một sản phẩm nghệ thuật thuần túy. Nếu muốn làm nghệ thuật thuần túy, chúng ta chỉ có thể làm với những sản phẩm mang tính cá nhân, độc lập. Còn khi phục vụ cho một khách hàng cụ thể thì yêu cầu của khách hàng phải được đặt lên hàng đầu.


Tất nhiên, trong một số phần công việc cụ thể, nhiều lúc chúng ta phải đưa quan điểm hay tiêu chuẩn cái đẹp của cá nhân vào. Nhưng phải luôn ghi nhớ và hiểu rõ điều khách hàng muốn là gì, biết được trọng tâm trong chiến dịch quảng cáo của đối tác là gì, họ muốn truyền tải điều gì… để khi thiết kế, chúng ta phải bổ trợ được cho mong muốn đó. Đó là cách mà hai bên có thể tìm được tiếng nói chung một cách nhanh và chính xác nhất.

Ảnh mô tả từng quá trình vẽ và chỉnh sửa nhân vật
Quá trình thiết kế để đưa ra một nhân vật đúng với yêu cầu của khách hàng nhất
Dự án hoạt hình nào đã từng làm khiến anh cảm thấy tự hào nhất?

Với bất kỳ dự án nào, ngay khi bắt đầu làm và trong quá trình thực hiện, tôi đều cảm thấy rất tự hào. Nhưng cảm giác đó sẽ chấm dứt ngay khi nó được công bố. Bởi từ thời điểm đó, tôi lại cảm thấy có những điều mình cần phải sửa, những chi tiết cần phải làm tốt hơn và kinh nghiệm cho những dự án sau.

Một dự án đáng nhớ gần đây là TVC quảng bá SEA Games 32 cùng giải Ngoại hạng Anh cho đối tác K+ và TBWA. Sản phẩm cuối cùng có phong cách nghệ thuật giàu năng lượng, tạo hình nhân vật năng động nhưng vẫn mang đậm tinh thần Việt Nam.


Ảnh cut từ dự án K+ Sea Games 32
K+ SEA Games 32, dự án nhận được đánh giá tốt từ khách hàng của Art Director Thanh Hiệp.

Trong khi đó, dự án 3D BILLBOARD của nhãn hàng OMO là một thách thức về mặt kĩ thuật. Yêu cầu cần đáp ứng là tạo ra một đoạn phim hoạt hình 2D để trình chiếu trên màn hình quảng cáo 3D ngoài trời. Cả nhóm đã cố gắng tìm ra nguyên lý trình chiếu, các tài liệu hướng dẫn, từ đó đưa ra phương án thực hiện cụ thể. Nhiều công đoạn phải được thực hiện tại hiện trường, chưa kể tới sự phức tạp của quá trình chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D. Khi mọi thách thức được vượt qua, sản phẩm cuối cùng đã gây được sự bất ngờ với đối tác.

Tôi cũng có nhiều ấn tượng với các đối tác từng làm việc. Ví dụ, Shin-Ei Animation (dự án CHIMIMO) là đơn vị có yêu cầu rất cao về chất lượng và độ chi tiết của sản phẩm, cũng như các yêu cầu đặc thù về chuyên môn. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều với dự án này.

Còn với đối tác JICA, chúng tôi bất ngờ về sự cởi mở mà mình nhận được. Cả nhóm được chủ động khá nhiều trong quá trình lên ý tưởng, lựa chọn phong cách nghệ thuật. Thành phẩm là một sản phẩm chỉn chu và chất lượng, đồng nhất về phong cách.


Trong khi đó, dự án 3D BILLBOARD của nhãn hàng OMO là một thách thức về mặt kĩ thuật. Yêu cầu cần đáp ứng là tạo ra một đoạn phim hoạt hình 2D để trình chiếu trên màn hình quảng cáo 3D ngoài trời. Cả nhóm đã cố gắng tìm ra nguyên lý trình chiếu, các tài liệu hướng dẫn, từ đó đưa ra phương án thực hiện cụ thể. Nhiều công đoạn phải được thực hiện tại hiện trường, chưa kể tới sự phức tạp của quá trình chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D. Khi mọi thách thức được vượt qua, sản phẩm cuối cùng đã gây được sự bất ngờ với đối tác.

Tôi cũng có nhiều ấn tượng với các đối tác từng làm việc. Ví dụ, Shin-Ei Animation (dự án CHIMIMO) là đơn vị có yêu cầu rất cao về chất lượng và độ chi tiết của sản phẩm, cũng như các yêu cầu đặc thù về chuyên môn. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều với dự án này.

Còn với đối tác JICA, chúng tôi bất ngờ về sự cởi mở mà mình nhận được. Cả nhóm được chủ động khá nhiều trong quá trình lên ý tưởng, lựa chọn phong cách nghệ thuật. Thành phẩm là một sản phẩm chỉn chu và chất lượng, đồng nhất về phong cách.


Dự án 3D Billboard của nhãn hàng OMO, một “bài toán khó” về kỹ thuật mà Art Director Thanh Hiệp và nhóm của mình đã tìm ra cách giải quyết.

Định hướng cho tương lai


Trong tương lai gần, có dự án hay mục tiêu nào anh muốn theo đuổi không?

Hiện tại tôi đang học một lớp kịch bản. Trong tương lai, tôi muốn thử sức với một vai trò hoàn toàn mới là biên kịch để có thể viết ra những kịch bản phim của riêng mình.

Bởi từ trước tới nay, hầu hết các công việc của tôi chủ yếu liên quan tới phần hình ảnh. Hiểu rõ rằng cái phần hồn, phần cốt của một bộ phim phải kịch bản, tôi rất muốn tìm hiểu thêm về khía cạnh nội dung để từ đó tìm ra cách biến những cảm xúc, ý tưởng của bản thành thành một kịch bản hay. Kỳ vọng xa hơn nữa của tôi là có thể tự thực hiện một bộ phim của riêng mình, từ đầu tới cuối.


Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang muốn theo đuổi ngành hoạt hình hay không?

Khi bắt đầu bất cứ nghề gì, đặc biệt là hoạt hình, đều sẽ cần sự tập trung rất lớn. Với nghề hoạt hình thì việc trau dồi kỹ năng và học hỏi kiến thức cần rất nhiều thời gian và sự tập trung cao độ. Trong khi đó, các bạn trẻ bây giờ rất dễ bị phân tâm bởi mạng xã hôi hay những nội dung ngắn.


Lời khuyên cá nhân của tôi là để bắt đầu những công việc thế này thì cần phải hạn chế, thậm chí là ngừng dùng mạng xã hội một thời gian. Những nội dung trên đó có thể làm chúng ta phân tâm, gián đoạn các dự án đang làm hoặc dang dở quá trình học tập.

Một lời khuyên nữa là không có một công thức cụ thể nào cho việc thành công. Không ai thành công ngay từ lúc bắt đầu. Chúng ta luôn phải làm từng thứ một, đặt từng viên gạch một để có thể đạt được kết quả mình mong muốn.


Trong tương lai, ngành hoạt hình có rất nhiều cơ hội phát triển. Đầu tiên vì tính ứng dụng của nó rất lớn, không chỉ về mặt phim ảnh, nghệ thuật mà còn liên quan tới quảng cáo, giải trí. Thứ hai, cơ hội việc làm trong ngành cũng rất lớn vì các nền hoạt hình lâu đời trên thế giới như Châu Âu, Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực do quá trình già hóa dân số. Khi thiếu đi nguồn nhân lực trong nước, họ sẽ phải tìm đến nguồn lực từ bên ngoài. Đây chính là cơ hội cho những nền hoạt hình còn non trẻ như của Việt Nam phát triển.

Comments


bottom of page