Thành công trong thế giới hoạt hình đòi hỏi cả tinh thần nghệ thuật và sự thông thạo trong kinh doanh, và khách mời của chúng ta hôm nay là một chuyên gia tài ba trong cả hai lĩnh vực này. Hãy cùng chúng tôi khám phá tầm nhìn và chiến lược xây dựng DeeDee Animation Studio của Lê Quỳnh Như, những thách thức mà chị ấy đã vượt qua để đạt được thành công, và cái nhìn sâu sắc của chị về bức tranh thay đổi liên tục của ngành công nghiệp hoạt hình.
Lê Quỳnh Như
Chức danh
Co-Founder
Studio Manager
Producer at DeeDee Animation Studio
Nơi làm việc
Ha Noi, Vietnam
Học vấn
Bachelor of Economics National Economics University, Hanoi, Vietnam
Tầm nhìn
Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị để sáng lập nên DeeDee Animation và bắt đầu hành trình tạo nên studio hoạt hình riêng của chị?
Thực tế, DeeDee Animation Studio có 4 người đồng sáng lập, bao gồm tôi, anh Đặng Hải Quang (CEO), anh Hà Huy Hoàng (Art Director/ Animation Supervisor) và bạn Đoàn Anh Kiệt (Animation Director).
Đầu tiên, niềm đam mê và tình yêu dành cho hoạt hình đã luôn tồn tại trong tim cả 4 chúng tôi kể từ khi còn nhỏ. Từ những kỷ niệm tuổi thơ đến việc tiếp tục theo đuổi đam mê này trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi luôn nhìn thấy sự hiện hữu và sức mạnh của hoạt hình. Hoạt hình có thể kể những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, cũng có thể là những câu chuyện phiêu lưu kỳ diệu chỉ có trong tưởng tượng, hoặc vừa kết hợp cả hai. Đây là phương thức kể chuyện hoàn hảo.
Thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng việc tạo ra một studio hoạt hình riêng cho phép chúng tôi thể hiện sự sáng tạo và tự do tư duy. Chúng tôi muốn tạo ra những câu chuyện độc đáo, có ý nghĩa, mang đậm tính cách và bản sắc của chúng tôi và dân tộc chúng tôi. Chúng tôi muốn các sản phẩm đó có ảnh hưởng tích cực đến khán giả. Thứ ba, vào thời điểm chúng tôi quyết định thành lập DeeDee, Việt Nam có nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng hầu hết không có studio hoạt hình hoặc sản phẩm hoạt hình nào đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. DeeDee ra đời chính là để “điền vào khoảng trống đó”. Bây giờ, sau 6 năm hoạt động, chúng tôi đang nỗ lực để "ghi tên hoạt hình Việt Nam lên bản đồ ngành hoạt hình thế giới".
Nhìn lại những ngày đầu của DeeDee chị có thể chia sẻ một số thách thức và thành công mà chị đã trải qua với tư cách một người sáng lập trong quá trình xây dựng và thành lập công ty được không?
Những ngày đầu thành lập DeeDee chúng tôi bước vào ngành với một trái tim nhiệt huyết và tinh thần sẵn sàng đối đầu khó khăn, bởi chúng tôi đã lường trước được rằng sẽ có vô vàn chướng ngại cần phải vượt qua.
Đó là một màn đánh cược lớn đối với chúng tôi. Bố mẹ của chúng tôi thực sự không tán thành với sự lựa chọn này, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục. Thời điểm đó thị trường hoạt hình Việt Nam gần như chưa có gì, chúng tôi vừa đi vừa mở đường.
Chúng tôi bắt đầu với 6 người trong một văn phòng nhỏ, quyết tâm học những kĩ thuật hoạt hình tiên tiến nhất, sử dụng những phần mềm hoạt hình tiên tiến nhất mà thế giới sử dụng. Chúng tôi quyết định đi những bước tuy nhỏ mà chắc chắn, luôn kiên định với mục tiêu làm hoạt hình chất lượng cao. Nhân sự những ngày đầu khá mỏng, nhưng kì vọng làm ra các sản phẩm hoạt hình chất lượng để mang đi dự thi lại rất cháy bỏng, chúng tôi phải xoay sở với việc cân đối các loại chi phí, thời gian… Hầu hết chúng tôi đều không ai có kiến thức chuyên môn về ngành này, ngoại trừ anh Hoàng, người mới trở về Việt Nam sau nhiều năm theo học chuyên ngành hoạt hình tại Mỹ.
Hành trình
Là một Studio Manager/Producer, nhiệm vụ chính của chị là gì trong quá trình sản xuất một bộ phim hoạt hình của DeeDee? Một số thành công đáng chú ý mà chị đã đạt được trong vai trò này là gì?
Vai trò chính của tôi là quản lý tất cả hoạt động sản xuất của studio từ đầu đến cuối. Tôi giám sát tất cả các nguồn lực nội bộ (nhân sự, ngân sách, lịch trình, thủ tục,...) và nguồn lực bên ngoài của studio (những nhà sản xuất độc lập, nhà cung cấp, nhà tài trợ,...), và kết nối tất cả để chúng tôi có thể phát triển và sản xuất các dự án hoạt hình chất lượng cao cho cả khách hàng cũng như cho riêng chúng tôi.
Trong suốt 6 năm qua, chúng tôi đã trở thành một tập thể với các dự án đầy cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào trong khu vực Đông Nam Á, cả về số lượng và mức độ tiêu chuẩn. Chúng tôi có những khách hàng quốc tế nổi tiếng, tham gia và được công nhận trong một loạt các dự án khác nhau: từ video quảng cáo, series truyền hình đến phim điện ảnh, từ nội dung sáng tạo độc lập đến nội dung hợp tác với các đối tác quốc tế, hay với các khách hàng từ Mỹ (6 Point Harness), Ireland (JAM Media), Thái Lan (M2 Animation), hay Nhật Bản (Shin-Ei Doga),….
Một trong những thành tựu mà tôi tự hào nhất là sự tin tưởng đến của khách hàng của chúng tôi. Hầu hết trong số họ đã làm việc với chúng tôi trong nhiều năm và thậm chí giới thiệu khách hàng mới đến với chúng tôi, điều này thể hiện mức độ uy tín và chất lượng cao của những sản phẩm do chúng tôi cung cấp.
DeeDee định hình bản thân là một “Studio sáng tạo”, vậy chị đã làm thế nào để nuôi dưỡng phát triển được khả năng sáng tạo của các thành viên trong studio?
Nuôi dưỡng sự sáng tạo và khuyến khích các nghệ sĩ của chúng tôi phát huy khả năng sáng tạo là một phần không thể thiếu của văn hóa tại DeeDee. Chúng tôi đã đạt được điều này bằng những cách như:
Khuyến khích sự sáng tạo bằng cách tạo ra không gian làm việc theo nhóm đa dạng và cởi mở, giúp thúc đẩy giao tiếp và trao đổi ý tưởng giữa các thành viên trong đội.
Cung cấp cơ hội cho các nghệ sĩ để tham gia các khóa đào tạo, hội thảo và chương trình học để phát triển kỹ năng và kiến thức của họ. Điều này không chỉ nâng cao khả năng sáng tạo của đội ngũ mà còn giúp họ cập nhật với những xu hướng mới và công nghệ tiên tiến trong ngành.
Không tự giới hạn trong một loại trường phái cụ thể nào: Cố gắng tiếp cận các dự án một cách đa dạng nhất, từ cartoon, anime, quảng cáo, series… nhằm xây dựng các góc nhìn đa chiều về ngành cho đội ngũ nghệ sĩ. Sự đa dạng sẽ đem lại nhiều ý tưởng mới và quan điểm khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo được phát triển.
Luôn lắng nghe và cải tiến quy trình cũng như chất lượng làm việc từ nhân sự, đảm bảo rằng các nghệ sĩ nhận được câu trả lời cho những gì họ thắc mắc, cũng như động viên về công việc của họ. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và chất lượng của dự án, mà còn khuyến khích sự tự tin và lòng nhiệt huyết của đội ngũ.
Ngành công nghiệp hoạt hình ở Việt Nam là một ngành công nghiệp “trẻ”, làm thế nào chị đảm bảo được rằng DeeDee luôn có nguồn nhân lực tài năng, được đào tạo đầy đủ và ổn định để tham gia vào các dự án của studio?
Chúng tôi đã xây dựng và phát triển một chương trình đào tạo nội bộ độc quyền được thiết kế đặc biệt cho những họa sĩ muốn tham gia vào DeeDee. Chương trình kéo dài từ 2 đến 8 tháng tùy thuộc vào kinh nghiệm và khả năng của các bạn. Nó đảm bảo rằng các bạn sẽ hiểu rõ và quen thuộc hơn với quy trình cụ thể của studio chúng tôi trước khi tham gia vào sản xuất.
Để giúp các bạn trẻ tài năng trên khắp cả nước dễ dàng tìm hiểu hơn về ngành công nghiệp hoạt hình, chúng tôi cũng đang hợp tác với một nhà xuất bản nổi tiếng tại Việt Nam, Nhà Xuất Bản Kim Đồng, để phát hành một cuốn sách về thế giới hoạt hình bằng tiếng Việt. Quyển sách sẽ được xuất bản trong thời gian tới.
Cuối cùng, chúng tôi cũng hợp tác với các trung tâm đào tạo và các trường đại học tại Việt Nam để nâng cao nhận thức về sự nghiệp trong lĩnh vực Hoạt hình và ủng hộ việc mở thêm các chương trình đào tạo liên quan đến hoạt hình. Ví dụ, gần đây anh Hoàng đã được mời làm giám khảo tại "The Pitch Room" của Đại học Anh Quốc Việt Nam, một chương trình tương tự Shark Tank, nơi sinh viên ngành Nghệ thuật & Thiết kế có thể trình bày các dự án của mình.
DeeDee làm thế nào để thích nghi với những thay đổi trên thị trường hoạt hình và sự tiến bộ về công nghệ thường xuyên diễn ra trong ngành công nghiệp hoạt hình?
Chúng tôi luôn cố gắng nắm bắt xu hướng mới và khi không thể (điều này thường xảy ra!), chúng tôi hoàn toàn chấp nhận sự thay đổi và tìm giải pháp để áp dụng và cải tiến quy trình.
Về phần thị trường, chúng tôi luôn cố gắng tham gia vào các sự kiện quan trọng hàng năm như MIPCOM, Kidscreen, Liên hoan Hoạt hình Quốc tế Annecy (MIFA) hoặc Asia TV & Forum Market (ATF). Chúng tôi cũng có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với các công nghệ thông tin từ các đối tác và mạng lưới trên toàn cầu hay các hiệp hội ngành liên quan.
Về phần công nghệ, chúng tôi luôn thực hiện nghiên cứu và phát triển bằng cách theo dõi các công nghệ mới, tiến hành các thử nghiệm và tìm cách tích hợp những công nghệ này vào quy trình sản xuất của chúng tôi. Hiện tại, nghiên cứu và phát triển của chúng tôi tập trung vào việc tích hợp 3D vào 2D và kết hợp cả hai phương tiện để tạo ra gương mặt hoàn toàn mới và tăng hiệu suất.
Tương lai
Quan điểm của chị về triển vọng phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình trên toàn cầu và tại Việt Nam là gì?
Thị trường hoạt hình, giống như bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, phát triển nhanh chóng và có sự biến đổi không thể dự đoán. Vào năm 2023, chúng tôi cảm nhận sự giảm tốc chung trong ngành sáng tạo nội dung do suy thoái kinh tế, cũng như cuộc đình công của nhà sáng tạo và diễn viên tại Mỹ. Nhưng tôi tin tưởng rằng mọi thứ sẽ phục hồi vào năm 2024.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hoạt hình đã “ấm” lên trong khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt nhờ vào các doanh nghiệp tư nhân. Có sự tăng trưởng đáng kể cả về số lượng và chất lượng của các nội dung hoạt hình được sản xuất. Số lượng các trung tâm đào tạo và trường đại học cũng đang tăng lên và đặt nhiều sự chú trọng hơn vào các chương trình học liên quan đến hoạt hình.
Chúng ta có thể trông chờ những tài năng sáng tạo trẻ xuất sắc sẽ nhanh chóng mang hoạt hình Việt Nam tiến tới tiêu chuẩn quốc tế. Trên thực tế, chúng tôi tự hào khẳng định rằng toàn bộ đội ngũ sáng tạo của DeeDee đều là người Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên các tài năng Việt Nam, để đẩy họ “bước ra ánh sáng”.
Tóm lại, chúng tôi tự tin rằng hoạt hình và các nhà hoạt họa Việt Nam có thể vươn tới vị trí hàng đầu của ngành công nghiệp hoạt hình quốc tế, dù là thông qua dịch vụ hoặc thông qua việc tạo ra các sản phẩm độc lập.
Theo chị, các công ty hoạt hình tại Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức gì? Chị sẽ làm gì để vượt qua chúng?
Thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam thì lúc nào cũng rất nhiều, chúng ta chưa có một cơ chế đầu tư phát triển riêng cho ngành, chưa có những tiền lệ để học hỏi, những công ty hoạt hình ở giai đoạn này là những công ty tiên phong nên sẽ gặp tất cả mọi rào cản có thể gặp.
Như đã đề cập trước đó, vì chúng tôi là một công ty tiên phong, chúng tôi cũng thiếu các kinh nghiệm, hay bài học của những người đi trước để học hỏi. Chúng tôi đã gặp phải rất nhiều loại rào cản và khó khăn trong quá trình mở đường trong ngành này ở Việt Nam. Nhưng điều này chưa từng làm chúng tôi dừng lại! Để vượt qua những thách thức này, chúng tôi liên tục đổi mới, học hỏi và không bao giờ từ bỏ. Trên thực tế, "DeeDee" có thể được hiểu là "Đi đi" trong tiếng Việt, có nghĩa là "Tiếp tục đi về phía trước". Vì vậy, chúng tôi "DeeDee"!
Comentarios