12 NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH - ẢO GIÁC CỦA SỰ SỐNG
Trong những năm 30s của thế kỷ trước, với tư cách là những người tiên phong trong lĩnh vực của mình, Walt Disney và các cộng sự (Frank Thomas, Ollie Johnston và những người khác) đã sáng tạo và phát triển nên một danh sách – 12 nguyên tắc của hoạt hình (12 principles of animation).
Được xuất bản trong cuốn sách "The Illusions Of Life" (Ảo giác của sự sống), đây là thứ đã đặt nền móng và là định hướng cốt lõi của ngành hoạt hình xuyên suốt trong lịch sử gần một thế kỷ qua.
Là những người đi đầu tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, Walt Disney đã không “tự nhiên” phát minh ra 12 nguyên tắc này, mà đó là thành quả của cả một quá trình tìm hiểu, phân tích và đúc kết lại qua những thử nghiệm của Walt Disney Studio.
Walt Disney muốn tìm đến những phương thức tạo chuyển động “thật”, có hồn, và thậm chí truyền tải được cả bản chất và tính cách của nhân vật – một tầm nhìn thực sự tham vọng khi ngành phim hoạt hình vẫn còn rất non trẻ.
Dù đã gần 100 năm trôi qua, đến giờ người ta vẫn nhắc đến 12 nguyên tắc của hoạt hình như một “kinh thánh” đối với những người đam mê.
Trong suốt hành trình thời gian đó, tất cả những sản phẩm phim hoạt hình mà chúng ta đã từng xem, bao gồm cả những bộ phim đi vào lịch sử, những nhân vật phim huyền thoại, v…v… đều được xây dựng nên từ nền tảng ấy của Walt Disney.
Những định luật đó đều đã được các animators “thấm nhuần” trong các quá trình đào tạo để trong các cuộc thảo luận, khi nhắc đến “anticipation” hay “follow through”, ai cũng hiểu đang nói đến điều gì mà không cần phải giải thích gì thêm – 12 nguyên tắc của hoạt hình đã đi vào tiềm thức của các animators như một thứ ngôn ngữ chung.
Với loạt bài viết tiếp theo của “Học Hoạt Hình – The Animation Study”, DeeDee Animation Studio sẽ đem đến một cái nhìn khái quát hơn về thứ đã đặt nền móng cho ngành hoạt hình như chúng ta biết ngày nay – 12 nguyên tắc cơ bản.
Nếu thấy bổ ích, các bạn hãy theo dõi website của DeeDee để tìm hiểu thêm nhé! Còn bây giờ, hãy bắt đầu với nguyên tắc đầu tiên: squash and stretch.
NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH: SQUASH AND STRETCH
(đè bẹp và kéo giãn)
Squash and Stretch là gì?
Squash and Stretch (hay S&S) là nguyên lý áp dụng sự thay đổi hình dạng mang tính tương phản của shape – từ trạng thái pose “bẹp dí” thay đổi tới trạng thái pose “kéo giãn” – để tạo cảm giác mềm mại, linh hoạt và có sức sống trong hoạt hình.
Nếu không được áp dụng Squash and Stretch, chuyển động của hình sẽ mang lại cảm giác cứng nhắc, khô khan. Việc áp dụng Squash and Stretch và sự biến đổi của tạo hình giữa hai trạng thái phá vỡ đi sự cứng nhắc thường thấy trong hoạt hình CG.
Áp dụng Squash and Stretch trong tạo hình chuyển động
Để minh họa rõ nét nhất ứng dụng của Squash and Stretch – các animators thường xuyên sử dụng bài tập Bouncing Ball (bóng rơi) cơ bản.
Khi trái bóng rơi xuống (với trọng lực và gia tốc) và tiếp xúc vớt mặt đất, trái bóng sẽ ở trạng thái Squashed để tạo hiệu ứng chuyển động trước khi được bật lên. Bên cạnh đó, ngay trước và sau khi trái bóng tiếp xúc với mặt đất (khi đang rơi xuống hoặc nảy lên trên không trung), trái bóng sẽ bị Stretched theo chiều di chuyển để tạo sự tương phản cần thiết cho chuyển động.
Nhờ áp dụng Squash and Stretch, hình ảnh trái bóng rơi và bật nảy được trở nên linh hoạt hơn. Hình ảnh minh họa sau thể hiện rõ nét sự áp dụng của Stretch and Squash trực tiếp thay đổi hình dạng của opject khi chuyển động (bên trái: không có Squash and Stretch, bên phải: có Squash and Stretch):
Chỉ cần với một chút Stretch and Squash (thậm chí với liều lượng rất nhỏ), cũng có thể mang lại sự khác biệt cho chuyển động, nhờ thêm vào chuyển động cho vật thể một chút co giãn cần thiết – vật thể trông không còn khô cứng như một viên đá.
Squash and Stretch thổi hồn vào chuyển động của vật thể, và thêm cả vào đó sự linh hoạt, nhưng sức mạnh của Squash and Stretch thậm chí còn hơn như thế. Nguyên tắc này còn có thể giúp các animators truyền tải được chất liệu của vật thể.
Với ví dụ từ video sau đây (link phía dưới), khi không có S&S, trái bóng mang lại cảm giác được làm từ chất liệu cứng (vd: bóng bowling, bóng bàn), trong khi được S&S, trái bóng có cảm giác “dẻo dai” hơn (như bóng cao su).
Việc áp dụng Squash and Stretch vào vật thể vì thế cũng cần các animators rất am hiểu về chất liệu của vật thể để có thể truyền tải một cách chân thật nhất (qua đó không áp dụng quá nhiều hoặc quá ít). Link so sánh giữa Squash and Stretch (phải) và no-Squash and Stretch (trái):
Tại sao lại cần Squash and Stretch?
Việc áp dụng Squash and Stretch là rất quan trọng trong animation vì nó có sức mạnh “thổi hồn” vào các nhân vật hoặc các vật thể (dù là vô tri vô giác) để tạo cảm giác có sức sống và sinh động. Stretch and Squash có thể được áp dụng vào từng bộ phận nhỏ của cơ thể nhân vật (tròng mắt, ngón tay, cánh tay, v…v..) hay cả tạo hình tư thế (pose) của nhân vật.
Việc sử dụng S&S trong pose của nhân vật và object có thể nói là cực kì cơ bản và quan trọng với mỗi animator – và cũng là lí do tại sao mọi animator trong quá trình đào tạo đều phải làm bài test về bao bột – làm thể nào để thổi hồn vào chuyển động của một vật thể?
Squash and Stretch. Link: bài tập về bao bột cơ bản trong hoạt hình.
Cấu trúc nhân vật
Tuy vậy, các animators vẫn cần phải chú ý khi làm quá hiệu ứng Squash and Stretch trong tạo hình chuyển động cũng là một sai lầm cơ bản thường xuyên bị mắc phải.
S&S thực sự là một công cụ hữu ích (nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong số các định luật) và cực kì thú vị khi sử dụng, nên nhiều animators thiếu kinh nghiệm thường làm …quá tay như một cách để thể hiện. Tuy nhiên nếu quá đà, hiệu ứng S&S sẽ mang lại sự phản tác dụng khi khán giả không còn cảm thấy giống thật nữa, và mất đi sự kết nối với nhân vật.
Một điều các animators thường xuyên nói đến trong các thảo luận về Squash and Stretch: “feel it, but don’t see it” (cảm nhận thấy, nhưng không nhìn thấy). Ý tưởng đằng sau đó là S&S chỉ nên được áp dụng vừa đủ, để tạo “cảm giác” chân thật khi xem lướt qua, nhưng không trực tiếp “nhìn thấy tận mắt”. Nếu hiệu ứng S&S quá lộ liễu, đó là dấu hiệu của việc áp dụng thái quá hoặc timing cho chuyển động quá dài.
Chính vì thế, khi áp dụng S&S, các animators cần lưu ý đến “feel it, not see it” bằng cách cho vật thể/nhân vật phản hồi lại các trạng thái pose “thái quá” thật nhanh chóng (trở về trạng thái thường không có S&S).
Điều này để cho chuyển động có sự “bật nảy” và mượt mà hơn, làm khán giả cảm nhận được mà không trực tiếp nhìn thấy pose Stretch and Squash quá lâu.
Duy trì thể tích của vật thể
Một yếu tố quan trọng khác trong việc áp dụng Squash and Stretch đó là “maintaining volume” (duy trì thể tích của vật thể).
Các animators cần lưu ý: khi đè bẹp và kéo giãn hình dạng của vật thể khi áp dụng hiệu ứng này, cần phải nhớ rằng vật chất “không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi”.
Nếu như làm cho người xem cảm thấy rằng vật thể hoặc nhân vật tự nhiên …to ra, hoặc bé đi trong các trạng thái stretched pose hoặc squashed pose, đó là khi các animators không chú ý đến việc duy trì thể tích của vật thể.
Khi áp dụng Squash and Stretch, vật thể sẽ bị kéo giãn theo 1 phương, nhưng cũng sẽ bị đè bẹp lại theo phương vuông góc, để có thể duy trì được sự “thật” của chuyển động.
KẾT LUẬN
Squash and Stretch có thể nói là nguyên tắc quan trọng nhắt mà các animators cần phải biết (và thuần thục) trong số 12 nguyên tắc của hoạt hình mà Walt Disney và các cộng sự đặt ra.
Việc áp dụng Stretch and Squash vào chuyển động của vật thể hoặc nhân vật có một “siêu sức mạnh” thổi hồn vào hình ảnh, và làm cho hình ảnh linh hoạt và có sức sống hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi thứ trong cuộc sống, cái gì quá cũng không hẳn là tốt. Nếu áp dụng S&S quá đà, hiệu ứng sẽ có rủi ro phản tác dụng. Chính vì thế, các animators cần phải thấu hiểu sâu sắc chuyển động của vật, và sử dụng Squash and Stretch thuần thục để tạo cảm giác sống động cho người xem mà không quá lộ liễu.
Với nguyên tắc tiếp theo được khám phá trong chuyên đề này, hãy cùng DeeDee Animation Studio khám phá nguyên tắc thứ hai: anticipation.
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
Comments