12 NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH - ẢO GIÁC CỦA SỰ SỐNG
Trong những năm 30s của thế kỷ trước, với tư cách là những người tiên phong trong lĩnh vực của mình, Walt Disney và các cộng sự (Frank Thomas, Ollie Johnston và những người khác) đã sáng tạo và phát triển nên một danh sách – 12 nguyên tắc của hoạt hình (12 principles of animation).
Được xuất bản trong cuốn sách "The Illusions Of Life" (Ảo giác của sự sống), đây là thứ đã đặt nền móng và là định hướng cốt lõi của ngành hoạt hình xuyên suốt trong lịch sử gần một thế kỷ qua.
Là những người đi đầu tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, Walt Disney đã không “tự nhiên” phát minh ra 12 nguyên tắc này, mà đó là thành quả của cả một quá trình tìm hiểu, phân tích và đúc kết lại qua những thử nghiệm của Walt Disney Studio.
Walt Disney muốn tìm đến những phương thức tạo chuyển động “thật”, có hồn, và thậm chí truyền tải được cả bản chất và tính cách của nhân vật – một tầm nhìn thực sự tham vọng khi ngành phim hoạt hình vẫn còn rất non trẻ.
Dù đã gần 100 năm trôi qua, đến giờ người ta vẫn nhắc đến 12 nguyên tắc của hoạt hình như một “kinh thánh” đối với những người đam mê.
Trong suốt hành trình thời gian đó, tất cả những sản phẩm phim hoạt hình mà chúng ta đã từng xem, bao gồm cả những bộ phim đi vào lịch sử, những nhân vật phim huyền thoại, v…v… đều được xây dựng nên từ nền tảng ấy của Walt Disney.
Những nguyên tắc đó đều đã được các animators “thấm nhuần” trong các quá trình đào tạo để trong các cuộc thảo luận, khi nhắc đến “anticipation” hay “follow through”, ai cũng hiểu đang nói đến điều gì mà không cần phải giải thích gì thêm – 12 nguyên tắc của hoạt hình đã đi vào tiềm thức của các animators như một thứ ngôn ngữ chung.
Với loạt bài viết tiếp theo của “Học Hoạt Hình – The Animation Study”, DeeDee Animation Studio sẽ đem đến một cái nhìn khái quát hơn về thứ đã đặt nền móng cho ngành hoạt hình như chúng ta biết ngày nay – 12 nguyên tắc cơ bản.
Nếu thấy bổ ích, các bạn hãy theo dõi website của DeeDee để tìm hiểu thêm nhé! Nếu như bạn là người mới tìm hiểu, hãy bắt đầu từ squash and stretch; anticipation; staging. Còn bây giờ, hãy bắt đầu với nguyên tắc thứ tư: straight ahead & pose to pose.
NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH: STRAIGHT AHEAD & POSE TO POSE
Straight Ahead & Pose to Pose là 2 thuật ngữ mô tả phương thức thực hiện chuyển động trong hoạt hình. Hãy cùng DeeDee tìm hiểu sâu thêm về từng phương pháp nhé!
Straight Ahead & Pose to Pose có nghĩa gì?
Straight ahead: Được hiểu là thực hiện từng khung hình vẽ lần lượt theo thứ tự, rồi cứ thế làm liền một mạch các hình liên tiếp nhau từ đầu cho đến khi kết thúc.
Mô tả cách vẽ Straight Ahead
nguồn ảnh: Creative Bloq
Pose to pose: Khác với quy tắc straight ahead, pose to pose nghĩa là xác định các hình vẽ, dáng, hình dạng quan trọng nhất ở bước đầu tiên của chuyển động, ở giữa, và ở cuối, hay còn gọi là keyframe và breakdown. Dựa vào đó người ta mới tính toán để thêm thắt các hình vẽ chèn vào giữa, hay còn gọi là inbetween.
Mô tả cách vẽ Pose to Pose
nguồn ảnh: Creative Bloq
Một số thuật ngữ liên quan:
Keyframes: Các hình vẽ, dáng, hoặc hình dạng quan trọng nhất trong chuyển động.
Breakdown: Các hình vẽ nằm giữa 2 keyframes, quyết định đường đi của chuyển động.
Extremes: Gọi chung cho cả Keyframe và Breakdown.
Định nghĩa phương pháp pose to pose
nguồn ảnh: Internet
Một số thuật ngữ liên quan trong quá trình áp dụng pose to pose
nguồn ảnh: Internet
Ứng dụng trong diễn hoạt
Pose to pose:
Đây là cách làm được sử dụng phổ biến nhất trong hoạt hình hầu hết các chất liệu (2D vẽ tay, 3D, ...) bởi với phương pháp này sẽ đem lại cho bạn nhiều sự kiểm soát nhất trong quá trình làm chuyển động. Thông thường, nếu làm bằng phương pháp straight ahead, khả năng xảy ra sự sai lệch về kích thước và vị trí đứng của nhân vật khi tới điểm cuối mỗi chuỗi hình là rất lớn, đặc biệt là trong hoạt hình 2D. Chính vì thế bạn sẽ mất nhiều công sức sửa lại những lỗi sai xảy ra trong quá trình thực hiện chuyển động.
Sự khác biệt giữa 2 phương pháp vẽ
nguồn ảnh: Internet
Pose to pose có thể tiết kiệm cho bạn rất nhiều công sức. Nếu ngay từ đầu, bạn đã có ý tưởng cảnh hành động mình định vẽ sẽ có dáng dấp và trình tự như thế nào thì việc áp dụng phương pháp này sẽ rất hiệu quả. Hoàn thiện các keyframes trước, tinh chỉnh chúng, rồi quyết định về đường chuyển động của nhân vật thông qua breakdown, sau đó bạn có thể bắt đầu chèn inbetween vào.
nguồn ảnh: Internet
Như vậy với pose to pose, bạn sẽ xác định các tư thế chính để đánh giá sự hợp lý của chúng và sớm nhận biết vấn để căn chỉnh lại. Điều này càng quan trọng và hiệu quả hơn khi bạn cần làm các chuyển động chậm, ví như cận vào khuôn mặt để nhấn mạnh biểu cảm nhân vật. Phương thức này vừa giúp bạn tỉ mỉ ở các khung hình và kiểm soát được cả trình tự dễ dàng.
Straight Ahead:
Straight Ahead dịch nghĩa đen ra tiếng Việt có nghĩa là đi thẳng.
Đặt trong bối cảnh của hoạt hình, bạn có thể hình dung, đó là cách bạn làm liền một mạch từ điểm đầu đến điểm cuối, giống như cách bạn bước đi vậy. Video dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn trực quan hơn về cách vẽ này.
nguồn video: AlanBecker Tutorials
Ưu điểm của cách vẽ straight ahead chính là khi bạn làm các chuyển động không có tính định hình cụ thể. Ví như các hiệu ứng đặc biệt như ngọn lửa, hạt nước, hay một làn khói bụi, etc… Lí do mà cách vẽ straight ahead phù hợp vì những hiệu ứng tự nhiên thế này không có hình dạng cố định, liên tục thay đổi, nên straight ahead là một cách hay để tạo sự tự nhiên cho hình ảnh. Dù vậy bạn vẫn có thể áp dụng pose to pose để lấp thêm inbetween vào giữa nhằm tạo cảm giác mượt mà hơn.
Áp dụng straight ahead khi vẽ lửa
nguồn ảnh: gifphy
Trong nhiều trường hợp khác, bạn không dự đoán trước được chuyển động, ví như các hoạt động chồng chéo lên nhau. Bạn có thể xử lý bằng cách áp dụng kết hợp cả 2 phương pháp. Ví dụ, bạn phải vẽ một chú thỏ đang chạy với đôi tai bồng bềnh, bạn có thể áp dụng pose to pose với chuyển động cơ thể của chú thỏ không có tai, sau đó mới dùng straight ahead để vẽ chuyển động vật lý của đôi tai mà không bị sao nhãng vào phần nào quá. Cách này có thể áp dụng được với các chi tiết tóc, đuôi và các phần phụ khác.
Minh họa nhân vật có độ bồng bềnh có thể áp dụng cả 2 phương pháp vẽ
nguồn ảnh: Looney Tunes
Ngoài ra, straight ahead cũng là phương pháp được áp dụng trong chất liệu stop motion (hoạt hình đất nặn, búp bê, cắt giấy, ...). Với chất liệu “ngoài đời thật” này, rất khó để họa sĩ có thể dựng các hình keyframes theo phương pháp pose to pose rồi mới chèn breakdown và inbetween vào giữa như 2D hay 3D. Vì thế trước khi bắt tay vào một cảnh phim nào đó trong một bộ phim hoạt hình stop motion, các họa sĩ sẽ phải có sự chuẩn bị, tính toán chuyển động hết sức kỹ lưỡng để tránh xảy ra sai sót. Chỉ cần trong chuỗi chuyển động có 1 sự “lệch pha” dù rất nhỏ nào đó thôi cũng sẽ khiến cho hàng nghìn bức hình phải được thực hiện lại từ đầu.
Straight ahead được áp dụng trong chuyển động phim Coraline của Hãng phim Laika
nguồn ảnh: gifphy
Áp dụng phương pháp Straight Ahead cho chuyển động trong chất liệu Stop Motion
nguồn ảnh: Laika Studio
KẾT
Có thể nói rằng, 2 phương pháp straight ahead & pose to pose là những kỹ năng quan trọng mà bất cứ diễn hoạt viên nào cần nắm vững và thuần thục. Việc áp dụng kết hợp cả 2 phương pháp này giúp bạn tạo ra được những chuyển động mềm mại và sinh động cho nhân vật.
Lần tới tiếp tục chuyên đề này, DeeDee Animation Studio sẽ chia sẻ về nguyên tắc thứ 5: Follow Through and Overlapping Action. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
Comments