12 NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH - ẢO GIÁC CỦA SỰ SỐNG
Trong những năm 30s của thế kỷ trước, với tư cách là những người tiên phong trong lĩnh vực của mình, Walt Disney và các cộng sự (Frank Thomas, Ollie Johnston và những người khác) đã sáng tạo và phát triển nên một danh sách – 12 nguyên tắc của hoạt hình (12 principles of animation).
Được xuất bản trong cuốn sách "The Illusions Of Life" (Ảo giác của sự sống), đây là thứ đã đặt nền móng và là định hướng cốt lõi của ngành hoạt hình xuyên suốt trong lịch sử gần một thế kỷ qua.
Là những người đi đầu tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, Walt Disney đã không “tự nhiên” phát minh ra 12 nguyên tắc này, mà đó là thành quả của cả một quá trình tìm hiểu, phân tích và đúc kết lại qua những thử nghiệm của Walt Disney Studio.
Walt Disney muốn tìm đến những phương thức tạo chuyển động “thật”, có hồn, và thậm chí truyền tải được cả bản chất và tính cách của nhân vật – một tầm nhìn thực sự tham vọng khi ngành phim hoạt hình vẫn còn rất non trẻ.
Dù đã gần 100 năm trôi qua, đến giờ người ta vẫn nhắc đến 12 nguyên tắc của hoạt hình như một “kinh thánh” đối với những người đam mê.
Trong suốt hành trình thời gian đó, tất cả những sản phẩm phim hoạt hình mà chúng ta đã từng xem, bao gồm cả những bộ phim đi vào lịch sử, những nhân vật phim huyền thoại, v…v… đều được xây dựng nên từ nền tảng ấy của Walt Disney.
Những nguyên tắc đó đều đã được các animators “thấm nhuần” trong các quá trình đào tạo để trong các cuộc thảo luận, khi nhắc đến “anticipation” hay “follow through”, ai cũng hiểu đang nói đến điều gì mà không cần phải giải thích gì thêm – 12 nguyên tắc của hoạt hình đã đi vào tiềm thức của các animators như một thứ ngôn ngữ chung.
Với loạt bài viết tiếp theo của “Học Hoạt Hình – The Animation Study”, DeeDee Animation Studio sẽ đem đến một cái nhìn khái quát hơn về thứ đã đặt nền móng cho ngành hoạt hình như chúng ta biết ngày nay – 12 nguyên tắc cơ bản.
Nếu thấy bổ ích, các bạn hãy theo dõi website của DeeDee để tìm hiểu thêm nhé! Nếu như bạn là người mới tìm hiểu, hãy bắt đầu từ squash and stretch; anticipation; staging; straight ahead & pose to pose ; follow through & ovelapping action; slow in & slow out; arcs; secondary action. Còn bây giờ, hãy bắt đầu với nguyên tắc thứ chín: Timing & Spacing
NGUYÊN TẮC HOẠT HÌNH: TIMING & SPACING
Nhiều người cho rằng Timing and Spacing là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bộ phim bởi nếu chỉ cần chậm một chút hay nhanh một chút cũng đem lại những kết quả rất khác biệt.
Vậy cần chú ý những gì trong quy tắc Timing and Spacing?
Hãy cùng DeeDee khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
Timing nghĩa là gì?
Đối với nguyên tắc hoạt hình này, bạn cần xem xét lại các định luật vật lý và áp dụng những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên vào chuyển động hoạt hình của bạn. Trong trường hợp này, trọng tâm là thời gian.
Mô tả timing & spacing
nguồn ảnh: Creative Bloq
Hiểu một cách đơn giản đây chính là mối liên hệ tương quan giữa số lượng frame (tương ứng với độ dài về thời gian của chuyển động) với khoảng cách giữa các frame trên đường chuyển động của vật thể.
Một chuyển động có ít frame, và khoảng cách giữa các frame xa nhau sẽ tạo ra chuyển động nhanh. Một chuyển động có nhiều frame, và khoảng cách giữa các frame gần nhau sẽ tạo ra chuyển động chậm.
Ứng dụng trong diễn hoạt
Biểu cảm nhân vật và bản chất của chuyển động được định đoạt phần lớn bởi việc tính toán, sắp xếp về timing và spacing.
Một hành động đơn giản có thể có tới 10 ý nghĩa khác nhau phụ thuộc vào số lượng frame và khoảng cách giữa chúng.
Ví dụ trong trường hợp này thì người đàn ông này đang tựa đầu vào bờ vai này sang bờ vai khác
Nhưng khi không có in-bettweens trông giống như nhân vật bị đánh bởi một lực rất mạnh gần như làm gãy cổ nhân vật
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Với 1 inbetween đầu anh ta trông như bị đánh bằng cái cán bột hoặc bằng vật dụng gì khác
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Với 2 in- betweens trông anh ta như đang bị co giật cơ
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Với 5 in-betweens khiến nhân vật trông thân thiện khi nói “Đằng này, lại đây, nhanh lên”
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Với 10 in betweens thì nhân vật đang kéo giãn cơ bị đau
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Tỉ lệ frame tiêu chuẩn cho phim là 24 frames trên 1 giây
Nếu 1 hình vẽ tương ứng với 1 frame, 24 hình mỗi giây, thì đó được gọi là “animating on 1’s” – đây là lựa chọn phổ biến trong các bộ phim hoạt hình kinh điển thời kỳ đầu như của hãng Disney, Fleischer, vân vân, hoặc các bộ phim hoạt hình 3D và Stop Motion. Animating on 1’s giúp cho chuyển động có độ “mượt” rất cao vì nó trùng khớp với khả năng tiếp nhận hình ảnh của mắt người, tạo ra cảm giác chân thực. Hơn nữa, animating on 1’s cũng là 1 cách để các họa sĩ ứng dụng cho các chuyển động nhanh, mạnh, cần nhiều năng lượng.
Nếu 1 hình vẽ tương ứng với 2 frames liền nhau, thì đó đc gọi là “animating on 2’s”. Đây là lựa chọn phổ biến trong hoạt hình truyền hình vì nó giúp giảm bớt công sức cho họa sĩ, tăng tiến độ của quy trình sản xuất, và không có nhiều khán giả có thể nhận ra được sự khác biệt về hiệu quả hình ảnh so với animating on 1’s. Animating on 2’s đôi khi giúp cho họa sĩ tính toán được những chuyển động yêu cầu có sự “mềm mại”, nhẹ nhàng, chậm rãi hơn so với on 1’s.
nguồn ảnh: Alan Becker Tutorial
Trong thực tế, kể cả các bộ phim hoạt hình chiếu rạp có độ phức tạp cao cũng ứng và thường xuyên kết hợp on 1’s và on 2’s một cách nhuần nhuyễn theo từng tình huống và yêu cầu của cảnh phim. Đây cũng là cách để các bộ phim hoạt hình sử dụng các công cụ digital như phương pháp cut-out sử dụng Toonboom hoặc Moho “mô phỏng” lại cảm giác của hoạt hình truyền thống, giảm bớt sự cứng nhắc của các chuyển động được tạo ra bởi máy tính. Phương pháp này phổ biến nhất trong các bộ phim hoạt hình của Mỹ và phương Tây nói chung.
Và 1 hình vẽ tương ứng với 3 frames liền nhau thì được gọi là “animating on 3’s”. Đây là phương pháp được ưa chuộng trong các bộ phim hoạt hình được sản xuất ở châu Á và một số studio ở châu Âu, cụ thể là các bộ phim có phong cách anime giống như Nhật Bản. Lý do là vì tạo hình của các nhân vật theo phong cách này thường rất phức tạp, nhiều chi tiết, lại còn có cả một hoặc nhiều lớp bóng trên nhân vật, nên vẽ 1 hình rồi để chạy 3 frame là cách để giảm khối lượng công việc rất hiệu quả mà vẫn đáp ứng được chất lượng và tiến độ. Animating on 3’s tất nhiên cũng là 1 cách để giúp chuyển động chậm lại, tinh tế hơn, “mềm” hơn khi các họa sĩ tính toán được spacing hợp lý giữa các hình vẽ.
Việc sử dụng 1 hình vẽ trong 4 frames liền nhau không được khuyến khích vì sẽ dễ tạo ra những chuyển động thiếu mềm mại, do nó đã quá tách biệt với khả năng nhận hình ảnh của mắt người.
nguồn ảnh: Peter Pan
KẾT
Dù là nguyên tắc xếp thứ 9 nhưng lại là một trong những quy tắc tạo nên sự ảnh hưởng rõ rệt tới ý nghĩa của các chuyển động. Timing yêu cầu bạn cần sự quan sát kĩ lưỡng và cẩn thận trong cuộc sống hàng ngày để cho ra những chuyển động chân thực và sống động, đương nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc vật lý vào chuyển động cũng là yếu tố không thể bỏ qua!
Lần tới tiếp tục chuyên đề này, DeeDee Animation Studio sẽ chia sẻ về nguyên tắc thứ 10: Exaggeration. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
Comments