Với việc lĩnh vực animation tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển, không ngạc nhiên khi nhu cầu tuyển dụng tại các studio ngày càng nhiều, đặc biệt cho các vị trí sản xuất như animators hay background artist.
Thế nhưng, ở vị trí nhà tuyển dụng, DeeDee Animation Studio đã không ít lần gặp những đơn xin việc rất... “giời ơi đất hỡi”. Vậy nên, trong bài viết này, chúng mình sẽ làm rõ những yếu tố cần chuẩn bị cho các ứng viên khi xin việc làm trong lĩnh vực animation, bao gồm những yêu cầu tối thiểu cần phải đạt, và cả những sai làm nên tránh.
Để tóm gọn, bài viết sẽ bao gồm những đầu mục sau:
CV / Resume trình bày sao cho đúng?
Làm Portfolio hay Showreel như thế nào?
E-mail xin ứng tuyển (hoặc Cover Letter) cần phải được viết như thế nào?
1. CV / RESUME
Khi đi xin việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, một bản CV (resume) chất lượng là yêu cầu tối thiểu để đơn xin việc của bạn được các nhà tuyển dụng xem xét một cách nghiêm túc.
Vậy yếu tố nào quyết định một bản CV chất lượng? Đó là khi nó đạt những yêu cầu sau:
Tóm tắt đầy đủ quá trình học tập và làm việc
Với nhà tuyển dụng thì việc bạn đã có kinh nghiệm học tập và làm việc (đặc biệt là làm việc) ở đâu là yếu tố vô cùng quan trọng để cân nhắc. Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương thì đó sẽ là một điểm cộng rất lớn. Với mỗi kinh nghiệm, hãy điền rõ và đầy đủ những thông tin sau:
Thời gian làm việc (hoặc học tập) bắt đầu từ khi nào, cho tới khi nào
Tên vị trí mà bạn đảm nhiệm
Những công việc / trách nhiệm mà bạn đảm nhiệm ở kinh nghiệm đó (hãy trình bày ngắn gọn dưới dạng gạch đầu dòng để nhà tuyển dụng có thể hình dung ra công việc / quá trình học tập của bạn)
Trong trường hợp bạn vẫn còn đang là sinh viên và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, hãy đi vào càng chi tiết càng tốt những việc bạn đảm nhiệm trong quá trình học tập / công việc trước. Đừng để CV của bạn trông giống như một tờ giấy trắng nhé! Lưu ý: đừng nghĩ đến việc “bịa” ra kinh nghiệm, hoặc nói quá thời gian làm việc của mình lên, vì thực sự “múa rìu qua mắt thợ” không dễ dàng như nhiều bạn lầm tưởng.
Ngược lại, nếu như bạn đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, hãy cân nhắc chỉ nên lựa chọn những công việc thực sự liên quan tới vị trí bạn ứng tuyển. Nếu như bạn đang apply cho công việc animator (họa sĩ diễn hoạt), và đang cân nhắc có nên điền kinh nghiệm làm ở nhà hàng hay không, câu trả lời là không.
Những kỹ năng bạn có
Nhà tuyển dụng rất cần biết những kỹ năng mà bạn đã sẵn có. Đặc biệt, với những công việc trong lĩnh vực animation, thì việc đã từng có kinh nghiệm và kỹ năng sử dụng các phần mềm làm hoạt hình (như After Effects, Moho, Toon Boom, v...v…) là những điểm cộng không thể bỏ qua. Hãy liệt kê chúng ra dưới dạng gạch đầu dòng, và đừng quên cho biết mức độ thành thạo của bạn với kỹ năng đó (biết sơ sơ, thành thạo hay rất thành thạo).
Bên cạnh những kỹ năng cứng đó, hãy đừng quên liệt kê ra cả những kỹ năng mềm (những điểm mạnh của bản thân). Nhiều nhà tuyển dụng thường coi trọng thái độ làm việc chuyên nghiệp, cầu tiến, cố gắng của ứng viên hơn là những kỹ năng cứng (ở DeeDee cũng vậy). Vì kỹ năng có thể trui rèn, nhưng nếu không có thái độ tốt thì…
Những yếu tố khác
Sau đây là những yếu tố khác không thể thiếu trong CV của bạn khi nộp đơn xin việc:
Ảnh và thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, e-mail)
Thông tin về các sự kiện hoặc giải thưởng đáng nhớ, đáng chú ý, quan trọng, và liên quan tới chuyên môn của bạn, cũng như vị trí ứng tuyển. Nên nhớ các nhà tuyển dụng sẽ cực kỳ chú ý tới những cá nhân có tâm huyết với lĩnh vực đang theo đuổi.
Reference hay một ai đó có khả năng xác thực những thông tin của bạn trong CV (ví dụ như đồng nghiệp, sếp, giáo viên, hay một ai đó khác phù hợp) và thông tin liên lạc của họ.
About me: một chút đôi dòng ngắn gọn giới thiệu qua về bản thân, mong muốn của bạn trong sự nghiệp. Chú ý câu từ gãy gọn, chuyên nghiệp.
Trình bày CV như thế nào?
Nếu CV của bạn dài 2 trang trở lên, cần phải cân nhắc tinh gọn về nội dung và các chi tiết không quan trọng. Độ dài phù hợp nhất của một CV chuyên nghiệp chỉ nên là một trang.
Vì animation là lĩnh vực sáng tạo, yêu cầu những cá nhân tham gia sản xuất phải có hiểu biết và kỹ năng về nghệ thuật, thiết kế, và thẩm mỹ, nên việc trình bày CV sao cho “hợp mắt” là yếu tố rất quan trọng để tạo ấn tượng tốt đó nhé! Nếu như bạn cho biết trong CV rằng mình có kinh nghiệm hoặc kỹ năng về đồ họa, hãy chứng minh điều đó trong thiết kế CV của mình.
Vậy phải làm thế nào? Câu trả lời đây:
Sắp xếp bố cục các phần nội dung sao cho hợp lý (cần phải thể hiện rõ phần nào quan trọng nhất, phần nào kém quan trọng hơn)
Lựa chọn font chữ gọn gàng, dễ đọc, phù hợp. Không dùng quá nhiều font chữ hoặc font chữ quá rối mắt
Có thể sử dụng màu sắc nhưng cần phải có tính toán cẩn thận và có chủ đích. Không nên sử dụng quá nhiều màu mè, họa tiết, gây rối mắt không cần thiết. Tránh việc "làm quá" CV của bạn thành một bức... infographics.
2. PORTFOLIO / SHOWREEL
Portfolio hoặc showreel của bạn có thể nói là yếu tố quan trọng bậc nhất khi đi xin việc trong lĩnh vực animation. Những yêu cầu này sẽ là những minh họa cụ thể và rõ ràng nhất cho các nhà tuyển dụng trong quá trình đánh giá năng lực của bạn cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Vậy phải trình bày như thế nào?
Portfolio hoặc Showreel cần phải đạt được những yêu cầu sau:
Được trình bày một cách mạch lạc, gọn gàng, rõ ràng, dễ theo dõi
Được hệ thống và sắp xếp các dự án / sản phẩm một cách hợp lý: (từ sản phẩm tốt nhất đầu tiên, cho tới tốt nhì, và ba, nhằm gây ấn tượng cho người xem từ cái nhìn đầu tiên, và thể hiện được rõ nét kỹ năng cũng như phong cách của bạn).
Các dự án trong portfolio hoặc showreel cần phải cung cấp đầy đủ thông tin (dự án gì, thể loại, cách thể hiện, và những đóng góp của bạn trong dự án đó)
Portfolio có thể được trình bày trong 1 file PDF hoặc trên một website có sự chuyên nghiệp cao như Behance, ArtStation, v..v… Ngoài ra, nếu bạn có thể tự tạo một website cá nhân (có thể dễ dàng tự tạo trên nền tảng Wordpress, Wix hoặc Squarespace), thì sẽ gây được ấn tượng rất mạnh cho những người xem hồ sơ của bạn.
Showreel nên được đầu tư cắt dựng thành một video có thời lượng từ 30s cho tới 90s. Nếu showreel của bạn dài hơn 90s, nhiều khả năng là sẽ không ai có đủ thời gian và kiên nhẫn để xem hết (nhất là khi các nhà tuyển dụng sẽ phải xem và cân nhắc từ rất nhiều lựa chọn). Ngắn gọn, xúc tích nhưng chất lượng là những yếu tố bạn muốn hướng đến, thay vì dài dòng và lan man.
Đặt tên file hợp lý (ví dụ: ANIMATION_SHOWREEL_[TÊN].mp4)
Hãy thử tham khảo bản showreel 2020 mới nhất của DeeDee Animation Studio dưới đây làm ví dụ:
Trong showreel này, DeeDee tổng hợp những dự án hoạt hình tốt nhất của mình. Thời lượng 90s nhanh, ngắn gọn, xúc tích, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận gạt bỏ những dự án không đạt chất lượng chuyên môn cao nhất. Những dự án được lựa chọn trong showreel cũng được chọn lọc ra những cảnh đẹp nhất, thể hiện rõ được kỹ năng của studio. Ngoài ra, đừng quên một yếu tố quan trọng nữa: thông tin của dự án (tên, thể loại, cách thể hiện, v...v...).
Còn với portfolio, hãy thử tham khảo của họa sĩ Crystal Kung về cách bố trí, trình bày, cũng như những thông tin bổ sung đầy đủ nhưng ngắn gọn:
Những sai lầm nên tránh:
Portfolio hoặc showreel bao gồm… tất tần tật những sản phẩm mà bạn có, bao gồm cả những sản phẩm đã cũ, hoặc không tốt lắm, hoặc không đại diện cho những kỹ năng mà bạn có ở thời điểm hiện tại. Hãy thực sự chọn lọc.
Không đầu tư thời gian làm một portfolio hoặc showreel đạt yêu cầu, mà gửi một loạt file rời rạc, riêng rẽ qua e-mail, Google Drive, (hay tệ hơn, một file .zip).
Tuyệt đối tránh việc xây dựng các portfolio hoặc trang web quá fancy, loằng ngoằng lắm trang trí, hoa hòe hoa sói, rồi nhạc nhẽo, hiệu ứng quá lằng nhằng. Trang web của bạn chỉ cần nền trắng hoặc đen, và tranh của ban được bố trí hợp lý là được.
3. COVER LETTER / E-MAIL
Nội dung E-mail (hoặc Cover Letter) khi gửi đến cho nhà tuyển dụng bắt buộc phải được trình bày lịch sự, dùng từ ngữ trau chuốt, nghiêm túc, tôn trọng, mạch lạc, đúng chính tả, ngữ pháp, chấm phẩy rõ ràng.
Tin hay không tin, việc e-mail ứng tuyển của bạn được viết như thế nào, là minh chứng rõ nét nhất về năng lực giao tiếp của ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng.
Nội dung Cover Letter tốt nhất nên được chú ý vào những thông tin quan trọng sau đây:
Bạn tên là gì, bao nhiêu tuổi, đến từ đâu?
Lý do vì sao nhà tuyển dụng nên tuyển bạn?
Kỹ năng, kinh nghiệm và chuyên môn của bạn có liên quan gì trực tiếp đến vị trí ứng tuyển hoặc môi trường công ty
Lý do vì sao bạn muốn tham gia ứng tuyển vào công ty và vị trí này
Mục đích của bạn khi có mong muốn ứng tuyển là gì? (trau dồi học hỏi, tăng thêm kinh nghiệm, làm đúng chuyên môn yêu thích, v...v…)
Tuyệt đối tránh nói ra những điều mang tính tự chê bai bản thân, thể hiện sự thiếu tự tin vào chuyên môn của mình. Nhưng ngược lại, cũng tuyệt đối tránh việc hành văn thể hiện sự quá tự tin, quá ảo tưởng sức mạnh tới mức độ gây ấn tượng rằng bạn quá tinh tướng, hống hách, coi thường người khác.
Tóm lại, hãy cố gắng thực tế và thể hiện sự tự tin vào chuyên môn của mình một cách lịch sự và khiêm tốn nhất có thể
KẾT
Vậy đó, trước khi quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển cho các công việc làm hoạt hình, hãy đầu tư thời gian để đảm bảo CV, portfolio/showreel và cover letter của bạn được hoàn thiện nhất có thể.
Một bản hồ sơ ứng tuyển được hoàn thiện, trau truốt chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những lợi thế không nhỏ trong quy trình xét duyệt. Những lời khuyên này không chỉ hữu ích với những công việc trong lĩnh vực animation, mà còn cả ở những lĩnh vực sáng tạo khác, như motion designer, artist, graphic designer, v...v...
Nếu như bạn đang bắt đầu quá trình tìm hiểu về lĩnh vực animation, DeeDee Animation Studio có biên soạn một bộ cẩm nang hướng dẫn trọn bộ dành cho người mới, chắc chắn sẽ là một bộ tài liệu vô cùng hữu ích trong quá trình học animation.
Chúc các bạn may mắn.
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
Comments