top of page
quang67

Vì Sao Nên Theo Đuổi Nghề Làm Phim Hoạt Hình & Animation?


animator tại DeeDee animation studio đang làm việc
Lý do vì sao nên theo đuổi nghề làm hoạt hình & animation?

Tại Việt Nam, khi mình giới thiệu rằng mình đang theo đuổi nghề làm phim hoạt hình, thì nhiều người… mắt tròn mắt dẹt. Phim hoạt hình, thì có lẽ ai cũng biết (và thích), nhưng nghề làm phim hoạt hình, đặc biệt là ở Việt Nam, thì hầu vẫn còn là một... ẩn số đối với phần đông.


Đặc biệt hơn, hiện tại, không quá khó để các bạn sinh viên đang học, sắp tốt nghiệp hoặc mới ra trường, tìm thấy các studio hoạt hình đang tuyển dụng. Thế nhưng, việc ngành phim hoạt hình tại Việt Nam còn quá mới mẻ, dẫn đến việc đưa ra quyết định theo đuổi lĩnh vực này xem chừng bị lấn át bởi những lĩnh vực “hot” như thiết kế đồ họa hay truyền thông marketing.


Vậy lý do những studio làm phim hoạt hình tại Việt Nam đang theo đuổi lĩnh vực này là gì? Với những bạn đang lựa chọn cho mình một hướng đi nghề nghiệp, có nên theo học làm phim hoạt hình và animation?


Bài viết này mình sẽ đề cập đến những lý do đó.


 

1. HOẠT HÌNH VIỆT NAM ĐANG TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN


Nhiều studio hoạt hình tư nhân mới xuất hiện


Trong những năm gần đây, hòa cùng làn sóng khởi nghiệp, ngày càng nhiều các studio hoạt hình Việt Nam dần dần “bước ra ánh sáng”.


dưới bóng cay colory studio
Colory Studio gây chú ý với phim hoạt hình "Dưới Bóng Cây", có chất lượng xuất sắc

Không phải là may mắn hay ngẫu nhiên mà sau nhiều năm hoạt động, nhiều studio vẫn không những vẫn trụ vững, mà còn dần gây dựng được tên tuổi ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, đặc biệt là ở lĩnh vực 3D và motion graphics với những cái tên “nổi đình nổi đám” như Colory Studio hay Red Cat Motion trong nam hay Thundercloud Studio ngoài bắc.


Thời gian gần đây, còn có những cái tên mới tham gia vào cuộc chơi animation 2D tại Việt Nam, như DeeDee Animation Studio (“Đại Vương, Xin Hãy Tiết Chế!”, “Tàn Thể: Tiền Truyện”, “Sứ Mệnh Vinh Quang”), hay F.Studio (“Duyên Âm”).



Đặc biệt, có Vintata (“Monta Trong Giải Ngân Hà Kỳ Cục”), là "con đẻ" của tập đoàn Vingroup, tập hợp được nhiều nhân tài trong lĩnh vực hoạt hình từ khắp các nước, cũng muốn có thị phần trong lĩnh vực hoạt hình.


Có thể thấy, theo nguyên lý cung cầu của kinh tế thị trường, thì rõ ràng lĩnh vực hoạt hình tại Việt Nam có chỗ đứng và có nhiều tiềm lực phát triển, và tất nhiên, vẫn đang ở một phân khúc nhỏ.


Chất lượng chuyên môn được cải thiện


Đi kèm với việc nhiều studio hoạt hình tư nhân xuất hiện, đó là chất lượng sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam cũng ngày càng được nâng cấp.


Tại Việt Nam, công nghệ, máy tính, mạng internet, đã rất phổ cập. Việc chất lượng sản xuất phim hoạt hình không so được với các nước phát triển trong những thập kỷ trước, có chăng chỉ ở năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực.


cảnh chiến đấu trong phim hoạt hình "sứ mệnh vinh quang"
những sản phẩm hoạt hình chất lượng cao như "Sứ Mệnh Vinh Quang" vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam

Thế nhưng, với sự cạnh tranh cao từ kinh tế thị trường, chất lượng sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, đi cùng với đó là sự chuyên nghiệp hóa các quy trình sản xuất.


Nhìn lại hành trình 4 năm khởi nghiệp với animation của DeeDee Animation Studio sẽ thấy, chỉ với 4 năm, trình độ sản xuất đã thay đổi đến chóng mặt như thế nào.




Còn với Colory Studio, thì chỉ 5 năm (từ 2011-2016), với cùng bộ phim hoạt hình “Dưới Bóng Cây”, chất lượng hình ảnh cũng đã được cải thiện một cách rõ rệt.


Trình độ làm hoạt hình Việt Nam nếu so với những cái tên đi đầu trong lĩnh vực như Pixar, Disney, Ghibli, thì vẫn còn xa, nhưng không còn xa “vời vợi, mịt mờ” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Khoảng cách dần được rút gọn, khi chất lượng phim hoạt hình Việt Nam đang tiến bộ nhanh hơn bao giờ hết.


Thị hiếu người xem đang dần có thay đổi


Xưa nay tại Việt Nam, phim hoạt hình vẫn thường bị gán mác “là dành cho trẻ con” - một quan niệm khá lạc hậu, và phần nào làm kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật hoạt hình trong nước.


Tuy nhiên, thời gian gần đây, với internet và mạng xã hội là công cụ phân phối nội dung hiệu quả, thì hoạt hình Việt Nam cũng dần tiếp cận được với nhiều đối tượng khán giả hơn.



Mặc dù YouTube hay Facebook, chưa phải là những giải pháp phân phối bền vững, nhưng với những thành công trên mạng xã hội của “Duyên Âm” (F.Studio) hay “Đại Vương, Xin Hãy Tiết Chế!” (DeeDee Animation Studio), thì có thể thấy, khán giả người lớn tại Việt Nam cũng đang “đói” những sản phẩm hoạt hình chất lượng đến như thế nào.


Bên cạnh đó, việc âm nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình tại Việt Nam đang có những “lột xác” ấn tượng, dần bắt kịp với chất lượng và xu thế của thế giới và chiếm được trái tim của khán giả, thì hoạt hình cũng không phải là ngoại lệ.


poster phim truyền hình "về nhà đi con"
những sản phẩm giải trí thuần Việt hiện đang được đón nhận mạnh mẽ

Khán giả luôn sẵn sàng đón nhận những sản phẩm phim hoạt hình thuần Việt, “made in Vietnam”, miễn là những sản phẩm đó đạt chất lượng cao - việc này hoàn toàn nằm trong tay những người có đủ đam mê để theo đuổi bộ môn hoạt hình.


 

2. NHIỀU NHU CẦU, NHIỀU CƠ HỘI


Kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu sản xuất


Theo bài báo cáo phân tích về thị trường animation tại Đông Nam Á, do Malaysia Digital Economy Corporation và Japan’s Media Create hợp tác nghiên cứu, thì một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc ngành animation phát triển (không phải mỗi tại Việt Nam, mà ở nhiều nước khác trong khu vực), đó là nhờ tăng trưởng kinh tế.


Cụ thể hơn, với sự phát triển của internet và nền kinh tế 4.0, nhu cầu sản xuất hoạt hình, đặc biệt cho lĩnh vực truyền thông, thương mại, quảng cáo, phát triển rõ rệt. Điều đó dẫn đến việc các cách ứng dụng animation trong nhận diện thương hiệu và truyền thông marketing cũng dần được đa dạng hóa.


cảnh video hoạt hình Free Fire Garena Vietnam
video hoạt hình "Free Fire" do Garena Vietnam đầu tư sản xuất nhằm quảng bá sản phẩm game mobile

Giữa không gian mạng xã hội đầy cạnh tranh, việc sản xuất ra được những video content “chất” mang lại lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp, dẫn tới việc các đơn vị sản xuất tha hồ “lụt việc”.


Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các nội dung giải trí ngày một tăng, đặc biệt là nội dung dạng video, khi các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đã dần được đảm bảo, và người ta "thích xem hơn đọc".


Nhu cầu outsource từ các nước phát triển


Tại các nước đã phát triển, nhu cầu tiêu thụ những nội dung giải trí hoạt hình vẫn đang ngày một tăng. Thế nhưng, khi chi phí sản xuất tại các nước bản xứ ngày càng khó đáp ứng, cộng thêm việc kinh tế hội nhập tạo điều kiện hợp tác với các đối tác nước ngoài, dẫn đến việc dự án phương Tây, chảy về phương Đông.


Không quá khó hiểu khi chất lượng sản xuất tại các nước đang phát triển (như Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung), có sự phát triển mạnh mẽ. Cộng thêm vào đó, là việc nhân công cũng như chi phí sản xuất ở mức rẻ so với mặt bằng quốc tế.


cảnh phim hoạt hình Green Eggs And Ham
phim hoạt hình "Green Eggs and Ham" do Warner Bros sản xuất được outsource bởi studio hoạt hình Philippines

Ví dụ gần đây nhất đó là phim hoạt hình “Green Eggs And Ham”, sản phẩm mới ra mắt của hãng Warner Bros, được outsource một phần công đoạn sản xuất bởi Snipple Animation Studio ở Philippines.


Vậy nên, nhiều chuyên môn trong lĩnh vực dự đoán Châu Á sẽ là trung tâm sản xuất hoạt hình cho thế giới trong những thập kỷ tới, giúp tạo công ăn việc làm và cơ hội phát triển sự nghiệp cho những người yêu hoạt hình tại Việt Nam.


Nhu cầu tuyển dụng rất, rất nhiều


Với những nhu cầu sản xuất đổ về cả từ trong nước và quốc tế, các đơn vị sản xuất phim hoạt hình lúc nào cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự. Cầu thì có đây rồi, nhưng cung thì tìm mỏi mắt không ra.


Việc không có trường lớp chính quy giảng dạy và đào tạo về animation cũng dẫn đến việc tìm kiếm nhân sự chất lượng làm hoạt hình khó như mò kim đáy bể.



Dạo qua một vòng các website, Facebook page của các animation studio sẽ thấy: nhu cầu tuyển dụng cực nhiều, nhà nhà đều đăng tuyển animators số lượng... lớn, từ vị trí diễn hoạt, cho tới background artist.


Vậy nên, nếu có bạn nào còn băn khoăn “học animation tìm việc có khó không?” thì đừng lo nhé. Cơ hội không hề thiếu, kiếm việc không hề khó.


 

3. CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI


Hoạt hình tại Việt Nam đang chập chững bắt đầu


Để quyết định theo đuổi một ngành nghề, lĩnh vực nào đó, chắc cũng không thể không cân nhắc cơ hội phát triển trong tương lai ở ngành nghề ấy. Hoạt hình Việt Nam, mặc dù đã có những tiến bộ, phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực, vẫn chỉ là những bước nhỏ rất khiêm tốn.



thống kê lĩnh vực hoạt hình đông nam á
thống kê cho thấy lĩnh vực hoạt hình tại Việt Nam và Đông Nam Á vẫn còn rất trẻ, nhiều cơ hội phát triển

Chính vì lẽ đó, ngành hoạt hình Việt Nam vần còn rất nhiều “đất diễn” cho những người tâm huyết và yêu thích nghệ thuật hoạt hình, muốn theo đuổi nghiêm túc và nâng cao chất lượng sản xuất. Việt Nam vẫn cần những cá nhân kiệt xuất sẵn sàng đi trước (và kéo cả đoàn tàu đi theo).


Đặc biệt nếu so sánh với những ngành nghề khác, có mức độ cạnh tranh cực kì lớn, và đang dần có dấu hiệu bão hòa (như thiết kế đồ họa, truyền thông marketing), thì có thể nói, lĩnh vực hoạt hình vẫn còn sơ khai, nhiều cơ hội để khai phá.


Tấm gương các nước láng giềng đi trước


Thế nhưng, làm hoạt hình có thể tiến xa được không? Tại sao lại không chứ?


Chẳng nói đâu xa, có thể nhìn ngay sang các nước láng giềng trong khu vực để có thể thấy rõ nét nhất về tiềm năng phát triển của lĩnh vực hoạt hình, đặc biệt ở những nước đã đi trước Việt Nam một bước ở trình độ sản xuất.



Trong bài báo cáo trên Cartoon Brew, nền hoạt hình Việt Nam đang “chập chững” được so sánh với nền hoạt hình Trung Quốc những năm 80, khi đổi mới kinh tế bắt đầu thúc đẩy cho những sự phát triển vượt bậc, sau nhiều thập niên “dậm chân tại chỗ”. Giờ đây, Trung Quốc đã có thể sản xuất ra những bộ phim hoạt hình chiếu rạp đẳng cấp như “Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế”, thì không có lý gì Việt Nam không trông đợi sẽ làm được những sản phẩm như vậy trong tương lai không xa.



Nếu không so được với Trung Quốc, có thể nhìn sang nước bạn Đông Nam Á: Malaysia. Được đầu tư và phát triển từ những năm 2000, giờ đây Malaysia đã gây dựng được nền hoạt hình rất mạnh, không chỉ trong nước mà còn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, với những sản phẩm như “Upin & Ipin”, “BoBoiBoy”, “Bola Kampung”, giúp họ quảng bá văn hóa Malaysia với thế giới.

Cơ hội phát triển sự nghiệp tới các ngành nghề khác


Kinh nghiệm làm hoạt hình, cũng có thể thay đổi linh hoạt giữa các thể loại hoạt hình khác nhau, từ 2D sang 3D, sang motion-graphic, sang stop-motion. Mặc dù tất nhiên sẽ có những sự thay đổi và thích nghi với những công cụ sản xuất khác nhau, nhưng về bản chất, tất cả những thể loại đó vẫn là hoạt hình. Với một nền tảng tốt, người làm hoạt hình có thể thay đổi và đa dạng hóa ngành nghề của mình.


công việc animator dùng bảng vẽ tablet

Nhìn rộng hơn, những người theo đuổi hoạt hình với kiến thức tốt về mỹ thuật và thiết kế, có thể phát triển sang về thiết kế đồ họa, quảng cáo hay truyền thông. Bên cạnh đó, làm hoạt hình có thể chuyển sang làm phim ảnh, vì bản chất, chúng là một, chỉ sử dụng những chất liệu khác nhau.


Có thể nói, hoạt hình là tổng hòa của nhiều ngành nghề khác nhau, tạo ra nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai cho những bạn không chắc chắn về việc gắn bó quá lâu với một lĩnh vực.


 

4. SỐNG VỚI NGHỆ THUẬT VÀ SÁNG TẠO


Được thỏa thích sáng tạo trong công việc, không bị gò bó nhàm chán


Công việc làm hoạt hình, để mô tả một cách vừa đơn giản, vừa chính xác, đó là cực kỳ THÚ VỊ. Bản chất hoạt hình là một nghệ thuật, và để sống với nó, những người làm hoạt hình cũng được sống với sự sáng tạo.


Ao ước của nhiều người trẻ là được làm những công việc có tính nghệ thuật, sáng tạo, vừa không gò bó nhàm chán. Vậy tại sao không phải là hoạt hình? Với công việc làm hoạt hình, lúc thì vừa được vẽ, lúc thì thiết kế, lúc thì dựng phim.


công việc animator đầy sáng tạo

Không những vậy, với mỗi dự án, lại có sự đổi mới: ý tưởng mới, thiết kế tạo hình mới, câu chuyện mới, khán giả mới, v...v…, giúp những người làm hoạt hình có thể đa dạng hóa công việc.


Nếu so với những công việc gò bó, nhàm chán, lặp đi lặp lại, thì làm phim hoạt hình là cực kì nhiều niềm vui. Không chỉ mang đến những trải nghiệm cho người xem, mà còn tạo ra những trải nghiệm cho chính mình.


Mang đến khán giả những trải nghiệm thú vị


Làm phim hoạt hình, cũng giống như những hình thức nghệ thuật khác, luôn hướng đến truyền tải những thông điệp, giá trị ý nghĩa tới người xem. Thước đo đáng tin cậy nhất với việc làm hoạt hình, đó là sự đón nhận của khán giả.


Với mỗi bộ phim hoạt hình mà người sản xuất mang đến cho khán giả, cũng là một trải nghiệm giải trí thú vị, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Thật không có gì hạnh phúc hơn, là một sản phẩm sáng tạo mình đã dành nhiều thời gian và công sức cho nó, được đón nhận và yêu thích.


Xem hoạt hình suốt ngày vì… công việc


Điểm cộng lớn nhất của việc theo nghề làm phim hoạt hình đó là, suốt ngày được xem phim hoạt hình vì… công việc.



kid watching tv in anime style


Việc luôn cập nhật những phim hoạt hình mới nhất giúp cho những người làm hoạt hình nắm bắt được thị hiếu của khán giả và các nhà sản xuất, những công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới, cũng như để phân tích và học hỏi.


Sau khi xem mỗi bộ phim hoạt hình, người làm hoạt hình không những được giải trí, mà còn được mở mang kiến thức, học hỏi được những điều mà có thể áp dụng được vào ngay công việc mình đang làm. Một công đôi việc, thật sự không có nhiều những ngành nghề khác có thể so được.


 

5. MỨC THU NHẬP


Vấn đề mà nhiều người rất quan tâm khi lựa chọn hướng đi nghề nghiệp của mình, đó là vấn đề thu nhập.


Do thị trường tuyển dụng tại Việt Nam hiện đang có nhu cầu rất nhiều về công việc họa sĩ hoạt hình, công việc làm hoạt hình thường sẽ có mức lương khởi điểm ở mức trung bình khá với những người mới chập chững vào nghề hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm.


salary

Ngoài ra, cũng tương tự như những ngành nghề khác, mức thu nhập cũng sẽ tương ứng với năng lực. Nếu nghiêm túc theo đuổi và nâng cao năng lực, giá trị của bản thân, thì những người làm hoạt hình hoàn toàn có thể có cho mình một mức đãi ngộ đáng ao ước.


So với mặt bằng chung, mức lương trung bình trong lĩnh vực hoạt hình cũng thuộc mức khá trong khu vực. Trong khi các nước khác như Philippines chỉ có mức thu nhập trung bình $250 - $350, hay Thái Lan ($550 - $650), thì mức thu nhập trong lĩnh vực animation tại Việt Nam dao động trong khoảng $800.


 

KẾT


Quyết định theo đuổi và phát triển sự nghiệp ở một lĩnh vực còn non trẻ, chắc chắn là một quyết định không dễ dàng. Nhưng đừng vì “khó quá” mà vội vàng “bỏ qua” nhé các bạn, theo đuổi nghề làm hoạt hình có rất nhiều những điểm cộng rất lớn mà những người chưa thực sự hiểu rõ, sẽ vô tình có cái nhìn không chính xác.


Những kiến thức này mình viết lại từ những hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực hoạt hình, cũng như từ kinh nghiệm thực tế của DeeDee Animation Studio sau vài năm “chinh chiến”. Hy vọng sẽ giúp mọi người có một cái nhìn sâu sắc hơn về việc tại sao nghề làm hoạt hình hứa hẹn sẽ là một “nghề hot” tại Việt Nam trong những năm tới.


Nếu bạn có ý định theo đuổi bộ môn hoạt hình, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo bài viết “Hướng dẫn học animation dành cho người mới bắt đầu” mà DeeDee đã biên soạn. Đây có thể là một bước khởi đầu cho một chặng đường đầy thú vị phía trước. Tại sao lại không nhỉ?


-

DeeDee Animation Studio

Komen


bottom of page