top of page
  • quang67

Hướng Dẫn Học Animation Trọn Bộ Dành Cho Người Mới Bắt Đầu




HỌC ANIMATION BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?


Sau khi theo dõi, và nằm vùng ở trong nhiều group về hoạt hình, thì DeeDee Animation Studio thấy có rất nhiều các bạn mới tiếp cận hỏi là bây giờ muốn học animation thì nên bắt đầu từ đâu?


Cũng không hề ngạc nhiên khi câu hỏi này thường xuyên được nhắc đến vì ở Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều trường lớp, cơ sở đào tạo, dạy nghề animation, khiến các bạn trẻ dù muốn vào nghề, cũng không biết bắt đầu từ đâu.


họa sĩ hoạt hình đang sử dụng bảng vẽ điện tử

Tất nhiên, để trả lời câu hỏi này thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.


Mình sẽ giới thiệu sơ qua trong bài viết này, để với những bạn quan tâm đến animation có một cái nhìn tổng thể và khái quát nhất.


Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bài viết này sẽ dài đó nhé! Vì là một cẩm nang trọn bộ cho người mới học animation, nên chúng mình muốn cung cấp đầy đủ thông tin nhất có thể. Vậy nên, hãy lưu bài viết này vào đâu đó và tìm hiểu dần trong quá trình học.


Nộí dung chính của bài viẽt sẽ bao gồm những đề mục sau:

  • Animation là gì?

  • Tại sao nên theo học animation?

  • Học animation thể loại gì?

  • Học animation để làm vị trí gì?

  • Học animation cần những kỹ năng gì?

  • Học animation cần sử dụng phần mềm gì?

  • Tài liệu học animation cần phải có?

  • Học animation ở đâu?

 

1. ANIMATION LÀ GÌ?


Bước đầu tiên trước khi bắt đầu tìm hiểu về học animation, cũng vẫn sẽ là một bước rất cơ bản trước khi bắt đầu bất kỳ điều gì: hiểu rõ khái niệm.



Nếu bạn nào đã tự tin với hiểu biết của mình về khái niệm animation là gì, hãy kéo tiếp xuống những phần phía dưới. Còn nếu chưa biết, mình sẽ giới thiệu qua ở đây khái niệm và định nghĩa animation, để mọi người có thể hiểu thêm và có một cái nhìn tổng quát.


Định nghĩa animation


Animation, để hiểu theo nghĩa tiếng Việt, đó là hoạt hình.


Mọi người thường có một cách hiểu khá là "đơn giản" về hoạt hình: đó là hình ảnh chuyển động. Tuy cách hiểu này không sai, nhưng không thể là một định nghĩa đầy đủ về animation.


Trong tiếng Anh, "animation" bắt nguồn từ "animate" - có nghĩa là tạo ra sự sống. Nghe thì có vẻ như là... làm quá lên, nhưng thật đúng là như vậy. Animation có nghĩa là nghệ thuật tạo ra sự sống cho những vật vô tri vô giác, bằng bất cứ cách thứ nào mà người làm animation có thể sáng tạo được.



Bởi vậy mà Walt Disney - ông tổ của nền công nghiệp hoạt hình đương đại, đã xuất bản cuốn sách "The Illusion Of Life" (Ảo Giác Của Sự Sống) để nói về những kỹ thuật làm animation.


Cơ chế của animation


Về lý thuyết, cơ chế tạo chuyển động của animation khá giống với phim điện ảnh, truyền hình, ở việc chuyển động được tạo thành bằng nhiều hình ảnh khác nhau, được nối tiếp thành một chuỗi hình ảnh.


Những hình ảnh ấy sẽ tạo thành ảo ảnh về thị giác về chuyển động, khi nó được xâu chuỗi trong một khoảng thời gian nhất định (24 hình trong vòng 1 giây).


cơ chế hình ảnh chuyển động trong animation

Tuy nhiên, khác với điện ảnh, những chuyển động hình ảnh của animation không được tạo thành từ nhiếp ảnh (photography), mà từ nhiều những phương thức khác nhau.

 

2. TẠI SAO NÊN THEO HỌC ANIMATION?


Trong cuốn sách bán cực chạy của mình năm 2008 (với tiêu đề "Start With Why"), Simon Sinek đưa ra một lời khuyên cực kì hữu ích cho bất kì ai trước khi bắt đầu làm một việc gì: luôn luôn bắt đầu bằng câu hỏi TẠI SAO?


cảnh video animation "Free Fire"

Điều này cũng hoàn toàn đúng khi áp dụng vào trường hợp các bạn đang muốn tìm lối đi cho mình trong lĩnh vực animation. Nếu bạn cảm thấy mình muốn theo học animation, và theo đuổi nghề làm hoạt hình, hãy tự làm rõ lý do tại sao đằng sau mong muốn đó.


Animation tại Việt Nam đang trên đà phát triển


Hiện nay, thị trường animation tại Việt Nam đang có sự tiến bộ rõ rệt, đặc biệt nhất trong khoảng 5 năm vừa qua, với sự phát triển của các studio hoạt hình tư nhân Made in Vietnam, có chất lượng sản xuất rất cao.


Khả năng sản xuất hoạt hình ở Việt Nam không còn bị “độc quyền” bởi các xưởng phim của nhà nước, qua đó tạo điều kiện để những bạn trẻ đam mê có thể phát huy hết khả năng.


đoạn trích phim hoạt hình "Tàn Thể: Tiền Truyện"

Với sự tiếp xúc với kiến thức chuyên môn, quy chuẩn của thế giới, đồng thời với việc áp dụng những công nghệ, phần mềm tân tiến, hợp thời đại, các studio hoạt hình tư nhân đã dần tiếp cận được đến với tiêu chuẩn về năng lực sản xuất với các studio nước ngoài.


Do đó, ngành animation tại Việt Nam dần thu hút được nhiều sự quan tâm hơn, không còn là “vùng trũng” như những thập niên trước.

Nhu cầu tuyển dụng animation tăng cao


Ngày nay, hình thức video animation đang ngày càng được áp dụng thường xuyên hơn trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, marketing. Tất cả là do các “ông lớn” mạng xã hội như YouTube hay Facebook thiết kế thuật toán của họ ưu ái các nội dung video content.



Vậy nên, giữa chiến trường đầy cạnh tranh trên mạng xã hội, các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn thường xuyên phải tìm các giải pháp sản xuất nội dung dạng video.


Điều này một phần lý giải vì sao mà những năm gần đây, số lượng công ty, doanh nghiệp chuyên sản xuất video phát triển nở rộ đến thế. Và đi theo đó cũng chính là lĩnh vực hoạt hình.


Dạo qua một vòng các website, Facebook page của các animation studio sẽ thấy: nhu cầu tuyển dụng cực nhiều, nhà nhà đều đăng tuyển animators số lượng lớn, nhưng nguồn cung nhân lực chất lượng thì tìm “mỏi mắt” không ra.


tuyển dụng animation số lượng lớn

Vậy nên, nếu ai còn đang lo lắng: “học animation xong làm gì?” Thì đừng lo nhé, học animation xong đi kiếm việc không hề khó.



Sống với nghệ thuật và sáng tạo


Không những vậy, việc làm hoạt hình sẽ mang lại cho những người đam mê theo đuổi niềm hứng thú mà chắc chắn không có nhiều ngành nghề khác có thể mang lại.


làm hoạt hình được sống với nghệ thuật và sáng tạo

Nếu so với những công việc gò bó, nhàm chán, lặp đi lặp lại, thì làm phim hoạt hình là cực kì nhiều niềm vui. Không chỉ mang đến những trải nghiệm cho người xem, mà còn tạo ra những trải nghiệm cho chính mình.


Và một yếu tố khác không thể không cân nhắc: đó là mức thu nhập trung bình trong lĩnh vực hoạt hình tại Việt Nam thuộc ở mức khá tốt.

 

3. HỌC ANIMATION THỂ LOẠI GÌ?


Nếu bạn đã cảm thấy khá là chắc chắn với mong muốn theo học animation, thì tiếp theo cần phải xác định được, học animation theo thể loại gì?


Hiện nay, có những thể loại hoạt hình animation phổ biến, có thể là những sự lựa chọn cho bạn cân nhắc. Ở đây, DeeDee sẽ giới thiệu sơ qua về một số thể loại animation chính.


Animation 2D


Nếu như khái niệm “animation” đã rộng, thì khái niệm “animation 2D” cũng chưa hoàn toàn đã là cụ thể hơn. Bản thân animation 2D đã bao gồm nhiều thể loại hoạt hình nhánh, với những cách thể hiện khác nhau. Tất cả những thể loại animation 2D đều có điểm chung là những hình ảnh, hình vẽ tạo ra trên một mặt phẳng.


cảnh phim hoạt hình 2D "đấu trường danh vọng" của deedee animation studio

Tuy nhiên, để dễ hiểu nhất, cũng như phù hợp với xu thế hoạt hình ngày nay, khái niệm animation 2D thường được chỉ những thể loại hoạt hình sử dụng công nghệ digital 2D, với những phần mềm như Flash, ToonBoom, Moho, vân vân.


Để có cái nhìn rõ nét nhất về animation 2D, có thể tham khảo những project hoạt hình mà DeeDee Animation Studio đã sản xuất, như "Đấu Trường Danh Vọng" hay "Tàn Thể: Tiền Truyện".


Animation 3D


Animation 3D, là thể loại hoạt hình dùng các công nghệ render 3D cho việc tạo hình và tạo chuyển động. Phong cách hoạt hình animation 3D phát triển mạnh trong những thập kỉ gần đây, đặc biệt từ sự thành công của phim hoạt hình “Toy Story” của hãng Pixar.


woody và buzz trong phim hoạt hình toy story của hãng pixar

Một số animation studio chuyên về thể loại hoạt hình 3D ở Việt Nam có thể kể đến Colory studio, Jam studio hay Red Cat Motion. Ứng dụng của animation 3D khá phổ biến trong cả những dự án giải trí, lẫn những dự án thương mại.


Motion Graphics


Bản thân motion graphics không phát triển từ nghệ thuật hoạt hình, mà từ thiết kế đồ họa (graphic design), với những phần mềm tạo chuyển động cho graphic như Adobe After Effects. Tại Việt Nam, có thể nhắc đến Glowing Studio làm một minh họa.



Thể loại Motion Graphics rất phổ biến những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, thương mại, quảng cáo, nhờ sự gọn gàng, cơ bản mà nó mang lại. Đặc biệt, những dự án hoạt hình theo phong cách Motion Graphic hay được áp dụng làm explainer video, infographic, (ví dụ như các YouTube channel kiểu kurzgesagt hay Ted-ed). Bên cạnh đó, còn là các video giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm.


Với những bạn mới tiếp cận, việc phân biệt rõ animation và motion graphics là rất quan trọng, để tránh sử dụng những khái niệm đó không đúng cách và gây nhầm lẫn.


Các thể loại khác


Mặc dù kém phổ biến hơn, nhưng cũng không thể không nhắc đến những thể loại hoạt hình khác mà các bạn mới học animation nên cân nhắc, đó là thể loại hoạt hình vẽ tay truyền thống (traditional animation) hay stop-motion.


Nhưng đừng vì thấy những loại hình animation này ít phổ biến mà vội coi thường nhé! Stop-motion và traditional animation cũng là một trong những thể loại animation giàu tính nghệ thuật nhất đó!

 

4. HỌC ANIMATION ĐỂ LÀM VỊ TRÍ GÌ?


Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, trong lĩnh vực animation, để sản xuất được một bộ phim hoạt hình, yêu cầu cần phải có nhiều nhóm khác nhau cùng phối hợp làm việc, mỗi nhóm đảm nhiệm một trọng trách trong quy trình sản xuất đó.


Bản thân animation không phải một bộ môn để các animators… chơi một mình. Mặc dù, để có thể một mình làm ra một bộ phim hoạt hình, không phải bất khả thi, nhưng cũng cực kì khó.




Vậy nên, trước khi bắt tay vào học animation, các bạn cần phải cân nhắc rằng mình muốn được làm ở bộ phận nào, ở khâu nào trong quy trình sản xuất phim hoạt hình? Để có thể cân nhắc và chọn cho mình một hướng đi, cần phải tìm hiểu xem quy trình sản xuất animation ở Việt Nam, thường có những vị trí nào.


Animator


Animator có lẽ là bộ phận quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đội ngũ nhân sự sản xuất phim hoạt hình.


Animator dịch ra tiếng Việt, có thể hiểu là diễn hoạt viên, hoạt họa viên, hoặc họa sĩ hoạt hình. Mặc dù không có tên tiếng Việt nào hoàn toàn sát nghĩa, hãy hiểu nôm na animator là những người nghệ sĩ tạo ra "sự sống" cho hình ảnh.


công việc animator

Bản thân khái niệm animator cũng khá là rộng, tùy thuộc vào phong cách animation mà bạn muốn theo đuổi. Nếu như bạn muốn học animation 2D, thì công việc animator chủ yếu sẽ là tạo hình chuyển động theo từng khung hình (frame by frame) hay tạo chuyển động cho con rối (rigging). Ngoài ra, công việc của các animator 3D sẽ là tạo chuyển động cho mô hình bằng keyframe.


Background artist

Background artist là họa sĩ bối cảnh. Họ là những người tạo ra bối cảnh, phông nền, cảnh vật cho câu chuyện hoạt hình.


Vai trò của background artist có lẽ là cũng không hề thua kém các animators, khi họ cũng là những nhân tố vô cùng quan trọng trong quy trình sản xuất phim hoạt hình.


Tương tự như làm animator, công việc của một background artist cũng sẽ có những sự khác nhau rất đáng chú ý, tùy thuộc vào thể loại hoạt hình mà người học animation muốn hướng tới.




Nếu như bạn muốn theo đuổi animation 2D, thì công việc của một background artist chủ yếu sẽ là vẽ. Đây chắc chắn là một công việc “trong mơ” cho các bạn trẻ mê vẽ, vì sẽ được vẽ suốt ngày.


Có lẽ cũng chính vì thế, mà vị trí background artist ở các studio hoạt hình 2D thường là điểm đến của các họa sĩ vẽ minh họa, hoặc các họa sĩ vẽ phong cảnh.


Art director

Thiết kế, tạo hình nhân vật - hay còn gọi là character design, thường là công việc của các art directors, những người đã nắm rất vững về thiết kế, mỹ thuật, và rành rọt về nhiều phong cách hoạt hình khác nhau.


Với mỗi dự án, mà các art director sẽ cần phải tạo hình theo những phong cách khác nhau, có thể là từ cartoon, cho đến chibi, anime. Vì thế mà làm thiết kế nhân vật yêu cầu kỹ năng vẽ rất nhiều.


thiết kế nhân vật hoạt hình "Biệt Đội iOn Bạc"

Biên kịch & Storyboard artist

Nếu như bạn cảm thấy yêu thích làm hoạt hình, animation, vì những câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút, thì cũng có thể học animation để làm vị trí biên kịch, hay storyboard artist.


Những bạn học animation ở vị trí biên kịch (screenwriter) hay storyboard artist cần phải có tư duy rất tốt về kể chuyện, và điện ảnh (đặc biệt ở vị trí storyboard artist, để bạn có thể thiết kế các cảnh quay, góc máy, và mạch phim phù hợp).


storyboard cảnh chiến đấu trong phim hoạt hình lịch sử Việt Nam Bát Nàn

Làm ở vị trí này, mặc dù không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất ra những sản phẩm phim cuối cùng, cũng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vì câu chuyện luôn là yếu tố chủ chốt của những sản phẩm video hay điện ảnh.


Hậu kì


Làm hậu kì (post-production) cho phim hoạt hình, yêu cầu các bạn học animation phải có hiểu biết về editing, dựng phim và điện ảnh. Vị trí này khá là linh hoạt, vì có thể áp dụng những kiến thức từ công việc hậu kì cho phim điện ảnh.

 

5. HỌC ANIMATION CẦN NHỮNG KỸ NĂNG GÌ?


Các nhà tuyển dụng (các animation studios) sẽ tìm kiếm ở ứng viên dự tuyển những yêu cầu gì?


Bên cạnh những yêu cầu cơ bản cho công việc animator, theo đuổi nghề animation nói chung cũng yêu cầu thêm một số những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà DeeDee Animation Studio sẽ giới thiệu qua ở đây:


Nếu bạn đang muốn học animation và xin ứng tuyển vào các studio hoạt hình, nên cân nhắc và phát triển những kỹ năng này.


Mỹ thuật căn bản


Biết vẽ người, vẽ phong cảnh 1 cách căn bản sẽ giúp bạn vẽ được nhân vật và các hiệu ứng đặc biệt một cách đáng tin khi làm cho các hình vẽ chuyển động trong không gian (bất kể 2D, 3D, hay phong cách hoạt hình đơn giản cho tới phức tạp).


mỹ thuật căn bản trong hoạt hình

12 nguyên tắc hoạt hình


Nguyên lý thứ 1 trong 12 nguyên lý hoạt hình - Squash and Stretch
Nguyên lý thứ 1 trong 12 nguyên lý hoạt hình - Squash and Stretch

12 nguyên tắc hoạt hình được Walt Disney tổng hợp từ kinh nghiệm của mình vào đầu thế kỷ thứ 20, tuy nhiên cho tới nay nó vẫn là nền móng cực kỳ vững chắc trong lĩnh vực hoạt hình. Cũng chính vì thế, việc nắm vững 12 nguyên tắc hoạt hình cũng là một bước không thể thiếu trong quá trình học animation.


Ngoài ra, DeeDee cũng có dịch và biên soạn một số bài viết học thuật về 12 nguyên tắc hoạt hình, rất hữu dụng cho các bạn animator mới vào nghề có thể tham khảo và cải thiện:


12 nguyên lý hoạt hình cơ bản

Kiến thức điện ảnh


Về cơ bản, hoạt hình chính là điện ảnh, là một "chất liệu", không phải "thể loại", và nó phải đáp ứng được những nguyên lý tối thiểu cần có của điện ảnh như kỹ thuật kể chuyện, xử lý máy quay, bố cục, ánh sáng,... và ý nghĩa của những thứ như vậy trong kể chuyện bằng điện ảnh.


Lớp học điện ảnh của DeeDee Animation Studio với đạo diễn Phan Đăng Di
Lớp học điện ảnh của DeeDee Animation Studio với đạo diễn Phan Đăng Di

Đây cũng là những kỹ năng quan trọng nhất cho các bạn mới học animation, vì những kiến thức đó sẽ phục vụ cho bạn khi làm storyboard và animatic, và đạo diễn.


Kỹ năng sử dụng máy tính



Học Animation yêu cầu kiến thức và kỹ năng máy tính

Thời buổi ngày nay, tất cả hoạt hình đều được sản xuất bằng máy tính, kể cả những bộ phim được làm bằng phương pháp vẽ trên giấy truyền thống hay stop motion. Kỹ năng sử dụng các phần mềm máy tính cơ bản là đương nhiên phải có để bạn có thể dễ dàng học/tự học các phần mềm hỗ trợ cho quy trình sản xuất hoạt hình khác nhau.


Kỹ năng viết lách


Đây là kỹ năng dành cho biên kịch, người sáng tạo nên các câu chuyện. Nếu đây là hướng đi mà bạn đang muốn theo đuổi, bạn có thể tự tìm hiểu và học cách viết và trình bày một kịch bản điện ảnh (screenplay), nhưng quan trọng nhất vẫn là những nguyên lý và cấu trúc căn bản của một câu chuyện, cái gì làm nên một câu chuyện cuốn hút, nhân vật thế nào thì hay, vân vân.


Và đặc biệt nhất là nên học cách đọc kịch bản phim, cả hoạt hình và phim người đóng, ở tất cả các thể loại từ hài cho tới tâm lý, hành động, vân vân. Những kho kịch bản phim quốc tế như The Internet Movie Script Database là nguồn tài nguyên có thể nói là cực kỹ hữu ích cho những người làm biên kịch.


Kỹ năng làm việc có tổ chức



Học animation yêu cầu kỹ năng làm việc nhóm có tổ chức
Học animation yêu cầu kỹ năng làm việc nhóm có tổ chức

Nghệ thuật cũng là khoa học, và yêu cầu những người trong quy trình đó khi làm việc cùng nhau phải có kỹ năng tự tổ chức và hệ thống hóa công việc của mình một cách hợp lý và khoa học. Nhờ đó thì trong một tập thể nhiều người mới có thể hợp tác và làm việc cùng nhau trong các công đoạn khác nhau một cách trôi chảy và hạn chế nhầm lẫn.


Vậy nên, trước khi quyết định theo đuổi và học animation, hãy tự phát triển những kỹ năng làm việc quy củ, hiệu quả của bản thân.



animation yêu cầu kỹ năng làm việc nhóm

Tính kiên nhẫn


Làm được một phút phim animation có chất lượng cao cũng có thể mất vài tuần là chuyện… quá bình thường. Vậy nên, làm phim hoạt hình animation chắc chắn không phải là một ngành nghề mà có thể làm nhanh, ra ngay sản phẩm, mà đòi hỏi ở các animator cần phải có tính nhẫn nại, kiên trì theo đuổi một dự án animation dài hơi.


Lịch sử điện ảnh, hoạt hình, nghệ thuật


Cách duy nhất để có thể làm được những sản phẩm mới là nhìn vào quá khứ để học từ những người đi trước, giống như bất cứ ngành nghề nào khác. Không chỉ đơn giản là học những cái tinh túy, cái đã được đúc kết thành cơ bản, mà còn học cả từ những cái chưa hay, chưa tốt mà các bậc thầy từng vấp phải, để có thể rút ra kinh nghiệm cho chính mình.


Nhưng quan trọng hơn hết, học lịch sử để học cách tôn trọng cái công việc mình đang làm ở thời điểm hiện tại, để biết là ngày nay chúng ta có được những điều kiện thuận lợi, kiến thức đuề huề do người đi trước để lại và phát triển sẵn. Tránh việc học qua loa rồi làm ra những sản phẩm hời hợt, chất lượng trớt quớt.


họa sĩ hoạt hình truyền thống đang tác nghiệp
 

6. HỌC ANIMATION CẦN SỬ DỤNG PHẦN MỀM GÌ?


Như mình đã chia sẻ ở trên, trong việc học animation, thì quan trọng nhất, phải coi phần mềm như công cụ sản xuất. Công cụ chỉ là công cụ. Sản phẩm mình làm ra với nó ra làm sao mới là quan trọng nhất.


Để xác định được những phần mềm - công cụ cho quá trình học animation của bạn, cần phải đi từ việc bạn chọn phong cách animation nào để theo đuổi. Ở đây, mình sẽ giới thiệu qua một số phần mềm chính. Có lẽ để đi sâu hơn vào các phần mềm sản xuất, sẽ cần phải có một bài viết khác.


DeeDee animation studio sử dụng phần mềm toon boom harmony để sản xuất series phim hoạt hình biệt đội ion bạc

Một số những phần mềm được DeeDee giới thiệu ở đây chỉ có tính tham khảo. Về tính năng cũng như hiệu quả sử dụng của chúng hoàn toàn tùy thuộc vào tính chất của dự án, và đặc biệt là quy trình sản xuất của animation studio bạn muốn được ứng tuyển.


Animation 2D


Với hoạt hình animation 2D, những phần mềm thường được sử dụng hiện nay gồm có:



phần mềm ToonBoom Harmony


Hầu như tất cả những phần mềm này đều mất phí mua bản quyền, và thường là không hề rẻ. Tuy nhiên, nếu thật sự nghiêm túc với việc học animation và theo đuổi nghề này, thì đầu tư một chút ban đầu là không hề thừa thãi.


Hiện tại, DeeDee Animation Studio sử dụng ToonBoom Harmony làm công cụ sản xuất hoạt hình chính.


Animation 3D

Với hoạt hình animation 3D, những phần mềm thông dụng hiện nay gồm có:

  • Blender

  • Cinema4D

  • Maya

  • 3DS Max

  • MotionBuilder

  • Mixamo

 

7. TÀI LIỆU HỌC ANIMATION CẦN PHẢI CÓ?


Để theo đuổi học animation, như DeeDee đã đề cập từ đầu bài viết, bạn phải có đam mê. Và nếu như bạn đã có sẵn đam mê, bạn cũng đã tự trang bị cho mình một công cụ mạnh nhất, ở bất kì ngành nghề nào: đó là khả năng tự học, tự tìm hiểu.


Tuy nhiên, để hỗ trợ bạn trong quá trình học animation, mình cũng sẽ hỗ trợ với một số nguồn tài liệu sau:


Bộ từ vựng animation từ a-z



từ vựng animation

Nghệ thuật hoạt hình, có thể nói, là tổng hòa của rất nhiều những lĩnh vực khác nhau: từ kể chuyện, điện ảnh, cho tới hội họa, thiết kế. Do đó, lĩnh vực hoạt hình cũng có số lượng các khái niệm chuyên môn và vốn từ vựng rất lớn.


Tuy nhiên, nhiều khái niệm, do chưa được Việt hóa sát nghĩa, nên thường xuyên bị sử dụng không đúng cách, dẫn đến việc càng thêm bối rối cho những người mới tiếp cận. (Ví dụ như Animation và Motion Graphics).


Đối với những người yêu thích nghệ thuật hoạt hình, đặc biệt là những bạn đang bắt đầu học, thì việc nắm vững những khái niệm này là rất quan trọng để có thể tự xây dựng cho mình một nền tảng cơ bản vững chắc.


Do đó, DeeDee Animation Studio có tổng hợp bộ từ vựng từ a-z thường gặp trong lĩnh vực hoạt hình, làm bộ tài liệu hỗ trợ cho các bạn đang bắt đầu học animation.


Sách "Xứ Sở Animation"


Mới đây CEO của Red Cat Motion - anh Leo Dinh (một cá nhân rất xuất sắc và có uy tín trong lĩnh vực animation tại Việt Nam), đã cùng FoxShelf cho ra mắt bộ sách “Xứ Sở Animation”, là bộ tài liệu về animation đầu tiên tại Việt Nam.



bộ sách "Xứ Sở Animation"


Bộ sách giới thiệu những khái niệm cơ bản nhất về animation, quy trình sản xuất animation, cũng như nhiều tài liệu tham khảo, hình vẽ đến từ các studio và các animators uy tín tại Việt Nam (trong đó có cả DeeDee Animation Studio nữa).


DeeDee Animation Studio vinh dự được đóng góp trong bộ sách này những dự án thực tế mà DeeDee đã từng thực hiện trong lĩnh vực animation. Hy vọng rằng đây sẽ là nguồn tư liệu bổ ích cho các bạn mới học animation tại Việt Nam.


Các trang web thông tin

Việc cập nhật những xu hướng, thông tin mới nhất, tiếp cận với những quan điểm của chuyên gia, cộng đồng là không thể thiếu trong bất cứ ngành nghề nào, kẻ cả animation.



trang thông tin CartoonBrew


Để có một cái nhìn tổng thể, khái quát hơn về lĩnh vực animation trên thế giới, có một số website sau đây mà DeeDee muốn gợi ý cho các bạn. Đây đều là những website thông tin lớn và uy tín nhất trong lĩnh vực hoạt hình.


Tuy nhiên, chỉ có một lưu ý duy nhất, đó đều là những trang web nước ngoài có nội dung bằng tiếng Anh, có lẽ sẽ gây đôi chút trở ngại cho bạn trẻ nào không giỏi ngoại ngữ.

 

8. HỌC ANIMATION CẦN NHỮNG TRANG BỊ GÌ?


Để theo đuổi một lĩnh vực đặc biệt như animation, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho mình những trang thiết bị cần thiết, làm công cụ hỗ trợ cho quá trình học cũng như thực hiện các sản phẩm animation.


Ở mục này, DeeDee sẽ giới thiệu qua những công cụ cần thiết để những người theo học animation có sự chuẩn bị tốt nhất.


Giấy và bút


Như DeeDee có đề cập ở trên, việc theo đuổi học animation cần có kỹ năng vẽ tốt, đặc biệt ở hai vị trí background artistsanimators. Vậy nên, hãy trang bị cho mình giấy và bút để có thể tự luyện tập và nâng cao kỹ năng vẽ của bản thân.


học animation nên chuẩn bị sẵn một cuốn sổ vẽ

Đặc biệt, hãy thử sức với một cuốn Sketch Journal (hoặc Visual Diary) - một cuốn sổ vẽ mang theo người, để có thể dễ dàng luyện vẽ ở bất cứ đâu.


Máy tính có thông số đồ họa tốt


Với việc lĩnh vực animation ngày nay hầu như hoàn toàn là làm việc trên máy tính, nên các bạn muốn học animation và theo đuổi lĩnh vực này nên đầu tư thiết kế cho mình một máy tính thật "khủng" để làm việc nhé.



Đặc biệt là ở những thông số đồ họa, vì làm hoạt hình chủ yếu sẽ yêu cầu nhiều về phần hình ảnh. Làm việc bằng laptop sẽ rất tiện lợi vì có thể mang đi bất cứ đâu, nhưng một máy tính để bàn (có card đồ họa rời) sẽ rất tiện lợi cho việc nâng cấp về sau này. Bạn hãy tìm hiểu và cân nhắc kỹ nhé.


Bảng vẽ điện tử


Để làm việc với hoạt hình animation 2D, thì bảng vẽ điện tử là một công cụ có thể nói là không thể thiếu.


Việc sử dụng bảng vẽ không chỉ giúp chất lượng hình ảnh của tranh được tăng cao, mà còn giúp người sử dụng dễ dàng chỉnh sửa và thao tác thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, còn là sự tiện lợi khi phối hợp với các đơn vị khác trong quá trình sản xuất.



Vì vậy, hãy lựa chọn thật kỹ một bảng vẽ phù hợp với mình để đảm bảo chất lượng công việc.


Ở Việt Nam, một số địa chỉ phân phối bảng vẽ điện tử của các hãng bảng vẽ lớn và uy tín trên thế giới là Tứ GiaWacom Việt Nam.

 

9. HỌC ANIMATION Ở ĐÂU?


Trong mục này, DeeDee Animation Studio sẽ giới thiệu cho các bạn một vài phương hướng theo học animation.


Tất nhiên, bài toán học animation là một vấn đề rất hóc búa, do lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, và cũng chưa có nhiều cơ sở đào tạo để dễ dàng tiếp cận.


A. Học đại học


Hiện tại ở Việt Nam, theo như DeeDee được biết, thì chưa có bất kì một trường đại học chính quy nào chính thức giảng dạy bộ môn animation. Đây là một thực tế tương đối đáng buồn. Tuy nhiên, hãy lạc quan lên, vì vẫn sẽ còn có một vài phương án khác cho các bạn chọn lựa.


Vì với yêu cầu kỹ năng của công việc animation khá tương đồng với một số ngành nghề như mỹ thuật, thiết kế, vậy nên lời khuyên của DeeDee đó là bạn có thể theo học những bộ môn đó để lấy nền tảng, rồi trong quá trình có thể tự học song song về animation với những phương án dưới đây:


B. Tự học online


Tự học online trên mạng có lẽ là phương án vừa khả thi, vừa kinh tế nhất với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam.


Không những vậy, kỹ năng tự học cũng hết sức là cần thiết với bất kỳ ngành nghề nào. Việc tự rèn luyện được cho mình kỹ năng tự học sẽ giúp những người đam mê theo đuổi bộ môn animation có thể dễ dàng cập nhật và thích nghi với những thay đổi trong lĩnh vực.


tự học là một kỹ năng cực kì quan trọng

Google search


Google search chắc chắn là một công cụ tìm kiếm cực kì hữu hiệu, và sẽ hỗ trợ bạn với bất kỳ vướng mắc nào. Học cách tìm kiếm trên Google sao cho hiệu quả là một kỹ năng rất cần nắm vững.


Tham gia các cộng đồng


Bên cạnh đó, hãy tham gia các group, forum về animation, để có thể giao lưu, đặt câu hỏi với những đồng nghiệp trong nghề. Việc tham gia trao đổi, thảo luận về chuyên môn sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình tự học đó.



Ví dụ như với DeeDee, tham gia subreddit r/animation hay forum ToonBoom hỗ trợ chúng mình rất nhiều trong việc học hỏi và kết nối với bạn bè cùng lĩnh vực khắp thế giới.


Bên cạnh đó còn là những Facebook group rất "rôm rả" như Cộng đồng làm phim hoạt hình 2D/3D (Việt nam) hay The Art of Animation (quốc tế).


Nhóm the art of animation trên facebook

Tuy nhiên, đừng hạn chế với những lựa chọn này nhé, hãy chủ động tìm kiếm các cộng đồng animation cho riêng mình, đặc biệt nếu bạn không theo đuổi 2D animation như DeeDee.


Tutorial videos


Các YouTube channel chuyên sản xuất tutorial videos cũng là một nguồn tư liệu quý giá cho các bạn học animation, đặc biệt trong quá trình thực hiện các dự án. Những video dạng này thường giải đáp các vấn đề, thắc mắc mang tính rất cụ thể với phần mềm sản xuất animation mà bạn lựa chọn.


kênh youtube Bloop Animation

Các bạn có thể subscribe Bloop Animation trên YouTube - họ sản xuất rất nhiều video - là những tư liệu hữu ích trong quá trình học animation và tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chủ động tìm những YouTube channel đặc biệt liên quan tới phần mềm mà bạn sử dụng.


Các khóa học online


Skillshare cung cấp rất nhiều các khóa học online

Ngoài ra, các bạn cũng có thể chủ động tìm đến các khóa học online tại các trang web quốc tế như Skillshare.com hay Lynda.com. Đây là những nền tảng cung cấp các khóa học online rất lớn và uy tín đó các bạn. Tuy nhiên có một lưu ý nho nhỏ, đó là những trang web này đều mất phí đó nhé!


Hoặc, để đi chuyên sâu hơn về hoạt hình, hãy thử tìm đến những khóa học của những đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực như Don Bluth, Aaron Blaise, hay Stephen Silver. Họ đều có các khóa học online cực xịn đó.


animation mentor là trang web dạy animation cực kỳ bổ ích

Animation Mentor là một website về đào tạo hoạt hình rất có uy tín và tầm ảnh hưởng quốc tế, với cực kỳ nhiều thông tin bổ ích về animation, cũng như các tài liệu, tutorial để những người yêu thích hoạt hình có thể dễ dàng theo học.


C. Các trung tâm đào tạo


Nếu như bạn không tự tin vào khả năng tự học của bản thân, mà muốn học animation trực tiếp tại các cơ sở đào tạo, DeeDee Animation Studio xin được giới thiệu một số cơ sở đáng chú ý tại Việt Nam:


khóa học tại Red Cat Academy


D. Học tại các công ty


Học bằng kinh nghiệm thực tế có lẽ là một trong những phương pháp học hiệu quả nhất. Nếu bạn đã có nền tảng tốt về mỹ thuật, thiết kế hay diễn họa, hãy ứng tuyển đến các animation studio, công ty sản xuất hoạt hình để trực tiếp làm việc.


Nhiều studio hoạt hình trong nước đều hỗ trợ đào tạo các bạn nhân viên mới làm quen với phần mềm, học những kiến thức cơ bản của hoạt hình, để có thể trực tiếp thực hiện các dự án.


toàn cảnh văn phòng của DeeDee Animation Studio

Nếu như bạn chưa có kiến thức cơ bản, hãy thử liên lạc với họ và xin vào làm thực tập sinh. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nhận thực tập sinh, cũng như yêu cầu tuyển dụng của mỗi nơi một khác.


E. Đi du học


Với những bạn có điều kiện tài chính để đi du học, thì tìm đến những trường đại học ở nước ngoài chắc chắn sẽ là hướng đi tốt nhất để được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản.



Hiện nay, có rất nhiều trường đại học tại Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản, v..v.. có những khóa học animation rất uy tín. Đầu vào của các trường đại học nước ngoài cũng thường có yêu cầu khá cao, từ nền tảng tốt từ mỹ thuật, thiết kế, cho tới khả năng sử dụng ngoại ngữ trôi chảy.


Mình cũng biết rất nhiều cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực animation tại Việt Nam từng được đào tạo ở nước ngoài, nay về nước và làm nên điều khác biệt.


Tuy nhiên, đi du học là một quyết định rất lớn, nên bạn hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng trước khi đưa ra quyết định nhé!

 

10. KẾT: BẠN CÓ ĐỦ ĐAM MÊ?


Ở trên mình đã nói qua những lý do khách quan tại sao nên học animation rồi, giờ quay trở lại lý do chủ quan với một vấn đề “xưa như Trái Đất”: bạn có đủ đam mê để theo đuổi nghề hoạt hình?


Cũng giống như những ngành nghề khác thôi, để theo đuổi được một nghề nào, cần phải có ít nhiều sự đam mê cho ngành nghề đó. Nếu không, thì sẽ rất khó có cơ hội để phát triển, thăng tiến và thành công.


Đặc biệt là với những ngành nghề nghệ thuật, sáng tạo, thì yêu cầu đòi hỏi về đam mê là một yêu cầu thiết yếu. Và hoạt hình không phải là ngoại lệ.



Tất nhiên, những yếu tố khách quan ít nhiều đều có sức ảnh hưởng. Thế nhưng nếu nhìn Walt Disney và những người tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình tại phương Tây vào những thập niên 20, 30 thế kỷ trước, thì sẽ thấy những yếu tố chủ quan, cụ thể là niềm đam mê theo đuổi, mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công. Thời điểm đó trong lịch sử, đã làm gì có hoạt hình? Không những vậy, nhiều người còn đặt nhiều nghi vấn, ngờ vực cho một lĩnh vực mới.


Thích xem phim hoạt hình, có lẽ không phải bàn tới, cũng có thể ngầm hiểu là một bước khởi đầu cần thiết. Thế nhưng, khoảng cách giữa thích “xem” và thích “làm” là hai khái niệm cực kì khác nhau nhé mọi người. Thích xem phim hoạt hình chưa chắc đã chịu nổi “nhiệt” khi phải bắt tay vào sản xuất.


ba bạn nhỏ trong series phim hoạt hình biệt đội ion bạc

Vậy nên, trước khi theo đuổi học animation, hãy tự nhìn nhận và đánh giá xem bản thân mình có đủ yêu thích, đam mê theo đuổi không? Bởi đó mới là động lực thúc đẩy bạn phát triển trên con đường này. Đừng vì những hào hứng nhất thời mà đánh đổi nhiều năm tuổi trẻ bạn nhé.


Có thể nói, theo đuổi học animation là một quyết định cực kì dũng cảm - nhất là trong bối cảnh ngành hoạt hình tại Việt Nam, dù đang trên đà phát triển, vẫn còn khá là mới mẻ và cần được khai phá. Vậy nên, nếu bạn quyết định theo học animation và có đam mê cháy bỏng với lĩnh vực hoạt hình, hãy tự vỗ vào vai mình một cái, lấy tinh thần nhé!


Chúc các bạn thành công!


-

DeeDee Animation Studio

Comments


bottom of page