top of page
quang67

Phân Biệt Animation vs Motion Graphics: Tương Đồng, Khác Biệt & Cách Sử Dụng



Với việc công nghệ hoạt hình đang ngày càng trở nên phổ biến, và được áp dụng rộng rãi trong những lĩnh vực phim ảnh, cũng như nhận diện thương hiệu hay truyền thông tiếp thị, thì khái niệm “animation” hay “motion graphics” cũng dần được nhắc đến rất nhiều.


Thế nhưng, việc những khái niệm ấy thường xuyên được sử dụng không đúng lúc, dẫn đến gây bối rối và hiểu nhầm cho phần đông những người mới tiếp cận.

Do đó, trong bài viết này, DeeDee Animation Studio sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn chính xác nhất về chủ đề này. Bài viết này sẽ bao gồm 3 mục chính, và cover những đề mục sau:


  • Hiểu rõ khái niệm Motion Graphics và Animation

  • Phân biệt Animation và Motion Graphics: Những điểm chung

  • Phân biệt Animation và Motion Graphics: Những điểm khác

  • Khi nào thì nên sử dụng Animation hoặc Motion Graphics?


 

1. HIỂU RÕ KHÁI NIỆM


Đầu tiên, hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ khái niệm Animation và Motion Graphics. Ở đây, mình sẽ tóm tắt qua để bạn có một cái nhìn bao quát nhất.


Animation là gì?


Khái niệm animation (bắt nguồn từ “animate”), là nghệ thuật tạo ra sự sống cho hình ảnh, bắt nguồn từ những nhu cầu giao tiếp và kể chuyện của con người từ hàng ngàn năm về trước. “Sự sống” ở đây thường được minh họa bằng một chuỗi hình ảnh, tạo ra những hiệu ứng (hay ảo giác) về chuyển động khi được phát theo trình tự thời gian.



Bản thân animation là một khái niệm bao quát, bao gồm nhiều những thể loại khác nhau, sử dụng những cách thức thể hiện khác nhau (như vẽ tay truyền thống, 3D, hay claymotion). Tuy nhiên, trong cách hiểu phổ thông, thì “animation” thường có ý nghĩa ám chỉ những thể loại hoạt hình có sử dụng nhân vật (character animation).


Để có thể hình dung rõ nét nhất về Animation theo cách hiểu “character animation”, thì chỉ cần tưởng tượng ra những bộ phim hoạt hình chiếu rạp, khi họ sử dụng các nhân vật hoạt hình làm phương thức kể chuyện. Hay cũng có thể lấy series hoạt hình lịch sử “She-Kings” mà DeeDee Animation Studio hợp tác sản xuất làm ví dụ minh họa.





Motion Graphics là gì?


Vậy Motion Graphics là gì? Theo cách hiểu được phiên dịch thì Motion Graphics là “đồ họa chuyển động”, và cách hiểu này khá là sát nghĩa với bản chất của Motion Graphics. Thay vì những thiết kế đồ họa tĩnh thông thường, thì Motion Graphics mang tới sự sinh động, hấp dẫn nhờ những tạo hình chuyển động được các motion designers thiết kế.



Motion Graphics, vì bản chất là tạo ra chuyển động, nên cũng có thể coi là một thể loại animation. Thể loại Motion Graphics thường được áp dụng trong các video dạng explainer hay logo chuyển động (animated logo).


Ví dụ về Motion Graphics có thể được minh họa qua tạo hình đồ họa chuyển động sau đây của motion graphic designer Abigail Kim:



 

2. ANIMATION vs MOTION GRAPHICS


Vậy làm thế nào để những người mới tiếp cận có thể phân biệt giữa Animation và Motion Graphics? Trước khi hiểu rõ sự khác nhau của 2 thể loại này, chúng ta cần phải tìm hiểu những điểm chung của cả 2, và vì sao chúng thường bị nhầm lẫn với nhau đến vậy.


Những điểm tương đồng


Animation và Motion Graphics là 2 thể loại khác nhau, nhưng đều có một điểm chung không thể chối cãi, đó là đều bắt nguồn từ nghệ thuật giao tiếp bằng hình ảnh. Cả Animation và Motion Graphics đều yêu cầu người thực hiện tạo ra những chuyển động cho nhân vật hoặc vật thể.



Chính vì cả Animation và Motion Graphics đều có nền tảng từ chuyển động, nên cả 2 đều tuân theo 12 nguyên tắc hoạt hình làm cốt lõi. Những nguyên tắc này được áp dụng chặt chẽ, và coi như quy luật cho các animators hay motion designers trong quá trình tạo ra chuyển động cho nhân vật hay vật thể, giúp cho chúng trở nên sống động hơn.



Cả 2 thể loại này đều có thể được ứng dụng bởi những công cụ hoặc cách làm tương đương với nhau, như After Effects, Toon Boom Harmony, hay thậm chí là… vẽ tay.


Theo một cách nào đó, có thể hiểu Animation và Motion Graphics có sự bổ sung và hoàn thiện cho nhau.


Khác biệt về cách kể chuyện


Vậy khác biệt nằm ở đâu? Cách dễ dàng nhất để nhìn ra sự khác biệt giữa Animation và Motion Graphics đó là ở phần nội dung - câu chuyện mà chúng truyền tải (storytelling).


Animation (theo cách hiểu “character animation”) là phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh, có bao gồm nhân vật, hành động, kết chuyện, và một thông điệp mà câu chuyện đó truyền tải. Phương pháp kể chuyện đó có thể được áp dụng dưới dạng phim ngắn, hay thậm chí một phim dài 2 tiếng đồng hồ như những phim chiếu rạp của Pixar.



Trong khi đó, Motion Graphics có ý nghĩa tạo ra sự sống và chuyển động cho những thứ vô tri vô giác, như hình khối, vật thể, hay chữ. Mục đích của Motion Graphics là tạo ra những hiệu ứng thị giác, để minh họa cho những nội dung khô khan, khó hiểu khi chỉ giải thích bằng lời (ví dụ như quy trình sản xuất hàng hóa).


Illustration vs Graphic Design


Theo một cách hiểu khác, sự khác biệt giữa Animation và Motion Graphics cũng có thể được so sánh với sự khác biệt giữa Illustration và Graphic Design (vẽ minh họa và thiết kế đồ họa).


Graphic Designers (thiết kế đồ họa) thường quen với việc truyền đạt khái niệm bằng hình ảnh. Công việc của một Motion Designer cũng giống như vậy, nhưng với chuyển động. Trong khi đó, Illustrators (họa sĩ minh họa) kể chuyện bằng tranh, còn các Animators mang đến sự sống (chuyển động) cho tranh.


Do đó, các Motion Graphics Designer sẽ thường làm việc trực tiếp với các Graphic Designer (hoặc họ chính là một). Còn các Animators thường chính là các Illustrators, hoặc trực tiếp làm việc với các Illustrators. Tuy nhiên, trong một creative agency hay production studio, thì những vai trò này sẽ thường được phân biệt rất rõ ràng.


 

3. KHI NÀO THÌ NÊN SỬ DỤNG ANIMATION (HOẶC MOTION GRAPHICS)?


Trong trường hợp bạn là client đang tìm kiếm một đơn vị sản xuất phù hợp cho dự án của mình, việc nên lựa chọn tìm đến các Animators hay các Motion Graphics Designers sẽ cần phải bắt nguồn từ việc xác định rõ những gì mình mong muốn truyền tải trong dự án ấy.


Khi nào nên dùng Motion Graphics?


Motion Graphics là phương án lựa chọn tốt nhất để minh họa hoặc nhấn mạnh một quan điểm hay khái niệm mà bạn muốn truyền tải. Đồ họa chuyển động cũng được sử dụng khi chỉ có hình ảnh mà không cần âm thanh.



Các video Motion Graphics có thể đơn giản hóa các dịch vụ hoặc sản phẩm phức tạp và trình bày chúng theo một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Hãy coi Motion Graphics như một công cụ hỗ trợ trực quan bằng chuyển động hữu hiệu, rất phù hợp với những dự án bao gồm cả số liệu, biểu đồ và thống kê.


Khi nào nên dùng Animation?


Nếu như bạn đang tìm kiếm đơn vị sản xuất cho một câu chuyện giàu cảm xúc, thì Animation chính là sự lựa chọn phù hợp. Ví dụ như, một câu chuyện ấm áp, chạm tới trái tim khán giả, về việc sản phẩm (hay dịch vụ) của bạn giúp thay đổi cuộc sống của khách hàng như thế nào.



Với Animation, thì nhân vật và nội dung là yếu tố cốt lõi nhằm truyền tải thông điệp. Với điểm nhấn là cao trào (climax) về cảm xúc - là yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật kể chuyện, Animation mang đến "ma thuật" kết nối với cảm xúc người xem một cách hoàn toàn chân thật.


 

KẾT


Animation và Motion Graphics là hai khái niệm có thể nói là dễ gây bối rối, nhầm lẫn không chỉ cho những người mới tiếp cận, mà còn cả cho những người đã và đang hoạt động trong nghề nhưng không nắm vững kiến thức cơ bản. Cũng không khó hiểu khi chúng có những điểm chung mang tính cốt lõi, ở việc cùng là nghệ thuật tạo chuyển động, và những nguyên tắc chuyển động mà cả hai cùng tuân theo.


Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa Animation và Motion Graphics nằm ở sự ứng dụng của chúng trong kể chuyện (storytelling). Trong khi Animation thường có nhân vật và nội dung câu chuyện, thì Motion Graphics là nghệ thuật tạo chuyển động cho những vật vốn vô tri vô giác.


Hy vọng rằng bài viết này của DeeDee Animation Studio sẽ làm sáng tỏ được cho bạn đọc về sự giống và khác giữa Animation và Motion Graphics, giúp tránh sử dụng sai khái niệm và gây bối rối cho mọi người.


-

DeeDee Animation Studio

contact@deedeestudio.net

コメント


bottom of page