Bạn đã bao giờ xem những thước phim hoạt hình 2D sống động, đẹp mắt của Studio Ghibli hay của Disney, và tò mò tự hỏi rằng họ đã thực hiện chúng bằng cách nào hay chưa?
Trong bài viết này, DeeDee Animation Studio sẽ giải thích một cách tường tận nhất có thể quy trình sản xuất một bộ phim hoạt hình 2D. Với tư cách là studio hoạt hình đi tiên phong trong lĩnh vực 2D tại Việt Nam, cùng nhiều kinh nghiệm thực tế trong và ngoài nước, DeeDee sẽ giúp các bạn có một cái nhìn rõ nét về chủ đề này.
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục kéo xuống và tìm hiểu, hãy lưu ý rằng bài viết này sẽ dài đó nhé! Mình sẽ giải thích chi tiết để các bạn muốn tìm hiểu sẽ có được một cái nhìn chuyên sâu nhất. Do đó, hãy lưu bài viết này lại vào phần bookmarks, để có thể tìm hiểu dần. Còn nếu như bạn chỉ muốn lướt qua nhanh, hãy kéo xuống phần kết luận ở dưới cùng để đọc tóm tắt nhé!
Với hoạt hình 2D, hầu như không có một quy trình sản xuất nào được coi là “tuyệt đối hoàn hảo” - vì thường mỗi studio hoạt hình đều tự phát triển cho mình một quy trình khác nhau, để phù hợp với tính chất, con người, công nghệ, và cách làm việc của riêng họ.
Tuy vậy, những quy trình sản xuất hoạt hình 2D ngày nay thường đều có một điểm chung nhất định, vì chúng đều bắt nguồn từ những nền tảng rất cơ bản mà Walt Disney đã để lại từ thế kỷ trước. Vậy những bước cơ bản đó là gì?
GIAI ĐOẠN 1: PREPARATION - CHUẨN BỊ
Tương tự như quy trình sản xuất phim điện ảnh, quy trình sản xuất hoạt hình 2D cũng bao gồm 3 giai đoạn chính: tiền kỳ (pre-production), sản xuất (production) và hậu kỳ (post-production).
Tuy nhiên, nếu như bắt đầu ngay ở giai đoạn tiền kỳ, là người làm hoạt hình đang bỏ qua những bước chuẩn bị ban đầu, mang vai trò quan trọng trong việc định hướng trong suốt quá trình sản xuất sau đó.
Giai đoạn đầu tiên - bước chuẩn bị (preparation) sẽ đòi hỏi người làm hoạt hình hiểu rõ những yêu cầu trong dự án hoạt hình mình sẽ làm, từ đó lên một kế hoạch sản xuất phù hợp. Do đó, những bước chuẩn bị này sẽ có thể được đồng thời áp dụng với những thể loại hoạt hình khác bên cạnh 2D.
Yêu cầu & mục đích của video
Đầu tiên, cần phải nắm rõ yêu cầu và mục đích của dự án hoạt hình 2D mà bạn sẽ thực hiện. Đó là một dự án thương mại (truyền thông, quảng cáo, tvc, v...v…) hay giải trí (series, phim hoạt hình, MV âm nhạc, v...v…)?
Với mỗi hình thức và thể loại, dự án hoạt hình 2D đó sẽ cần phải đáp ứng những mục đích rất khác nhau (ví dụ như: video hoạt hình đó sẽ giúp người xem xả stress sau một ngày làm việc mệt mỏi, hay giúp một thương hiệu xây dựng bộ nhận diện trong mắt khách hàng?)
Thường với những dự án mang tính thương mại, sẽ có đi kèm brief (đề bài) của khách hàng, nêu rõ mục đích mà họ mong muốn video hoạt hình đó sẽ hướng tới. Tuy nhiên, nếu như khách hàng cũng không chắc chắn với mục đích, hãy cùng họ làm rõ điều đó. Việc cuối cùng mà một nhà sản xuất hoạt hình muốn đó là một đề bài… mông lung, để khách hàng của họ phải thất vọng với một sản phẩm vô thưởng vô phạt, không đạt được mục đích như mong đợi.
Thậm chí nếu như đó chỉ là một dự án hoạt hình cá nhân làm cho vui, việc xác định rõ mục đích cũng sẽ giúp người làm hoạt hình có thể định hướng được tone (tông điệu) và mood (cảm xúc) cho sản phẩm của mình, từ đó định hình được phong cách hoạt hình mà mình sẽ thực hiện.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ xác định được thời lượng của sản phẩm, cũng như việc sản phẩm hoạt hình đó sẽ được sử dụng ở đâu.
Xác định đối tượng khán giả
Đối tượng người xem mà bạn đang muốn hướng tới với sản phẩm hoạt hình của mình là ai?
Đây là câu hỏi mà bạn cần phải đặt ra cho mình trước khi bắt đầu. Đừng tìm đến những câu trả lời quá an toàn, bao quát như :”tất cả mọi người”. Thông thường, việc càng đi vào chi tiết trong việc xác định rõ đối tượng người xem là vô cùng quan trọng trong việc quyết định sản phẩm hoạt hình đó có tạo ra được những hiệu ứng mà bạn mong muốn hay không. Yếu tố này sẽ quyết định rất lớn nội dung, phong cách vẽ, cũng như ngôn ngữ mà bạn sử dụng.
Việc xác định rõ đối tượng khán giả càng đóng vai trò quan trọng trong cả những dự án thương mại lẫn giải trí, vì vậy đừng vội coi thường và bỏ qua yếu tố này nhé! Ngay cả những phim hoạt hình giải trí nổi tiếng của Disney hay Studio Ghibli, đều hướng đến những đối tượng người xem rất cụ thể, vì đó đều là những khoản đầu tư thương mại rất lớn (cả về tiền bạc lẫn sức người).
Vậy nên, biết một chút về kinh doanh, và biết cách tư duy như một marketer, chắc chắn là một lợi thế không hề nhỏ.
Làm thế nào để xác định được đối tượng người xem phù hợp cho sản phẩm hoạt hình của mình? Sau đây là một số câu hỏi mà DeeDee gợi ý cho các bạn để cân nhắc (tuy nhiên, đừng bị gò bó với chỉ những lựa chọn này nhé!)
Lứa tuổi người xem mà bạn hướng đến là gì?
Nam giới hay nữ giới sẽ thích thú với sản phẩm hoạt hình này hơn?
Đối tượng người xem hướng đến sẽ ở địa phương nào?
Họ thường xem những sản phẩm sáng tạo/phim ảnh/hoạt hình như thế nào?
Họ có điểm chung là gì trong tính cách, sở thích, thói quen?
Cuộc sống của họ như thế nào?
Họ sẽ xem sản phẩm của bạn trong hoàn cảnh nào, vào lúc nào?
Thời gian, tiền bạc và công sức
Ở bước này, bạn cũng cần phải xác định được những resources (tài nguyên) mà bạn có cho dự án. Cụ thể hơn đó là thời gian, tiền bạc và công sức mà bạn sẽ dành cho dự án.
Với những dự án thương mại có yêu cầu cụ thể từ client (kể cả những client tuyên bố “ngân sách không giới hạn”) thì họ đều có sẵn một mức chi mà họ cho là hợp lí. Việc cân đối được về ngân sách với thời gian, công sức của bạn sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán, cũng như là kinh nghiệm thực tế của bạn.
Đội ngũ sản xuất của bạn có bao nhiêu người? Hay bạn thực hiện một mình? Thực hiện được một sản phẩm hoạt hình không phải là một quy trình dễ dàng. Quy trình này yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều đội ngũ. Để có thể tự mình gánh được hết cả một dự án như vậy, không phải bất khả thi, nhưng sẽ rất “khó nhằn” đấy!
Xác định được rõ những yếu tố đó sẽ quyết định việc sản phẩm hoạt hình 2D của bạn sẽ có “độ khó” đến đâu - cầu kỳ, chi tiết như các bộ phim anime Nhật Bản, hay chỉ đơn giản như “South Park”. Hãy cân nhắc một cách thực tế nhé!
Lên kế hoạch
Việc lên kế hoạch là một bước mà nhiều người vội bỏ qua. Lên một kế hoạch cụ thể, chi tiết, với sự phân bổ hợp lý về timeline, nhân lực và khối lượng công việc sẽ giúp bạn quản lý được quy trình sản xuất một cách khoa học và chặt chẽ.
Đừng vội nghĩ việc này là mất thời gian nhé! Việc tránh được sai sót trong quá trình sản xuất nhờ một quy trình chặt chẽ sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian sau đó khi phải quay lại… sửa sai. Vậy nên, việc lên kế hoạch tưởng như sẽ mất đôi chút thời gian ban đầu, nhưng lại sẽ tiết kiệm được thời gian cho nhà sản xuất, đặc biệt trong một dự án dài hơi.
Vậy lên kế hoạch như thế nào? Việc này cũng không có một tiêu chuẩn “tuyệt đối”, mà tùy thuộc vào phương pháp làm việc của mỗi người. Ở đây, DeeDee sẽ gợi ý phương pháp sử dụng gantt chart (xem hình minh họa phía trên), để quản lý nhiều mảng công việc cùng một lúc trong một timeline tổng thể. Tuy nhiên, việc sử dụng gantt chart chắc chắn không phải (và không nên) là lựa chọn duy nhất của bạn.
Tìm references
Nếu như những gì bạn định làm, đã có người làm rồi thì sao nhỉ? Thật là tuyệt vời khi bạn có thể trực tiếp tham khảo những ví dụ có điểm tương đồng về nội dung, phong cách, chuyển động, v...v…, để vừa học được những cái hay, vừa tránh được những sai lầm không đáng có. Nhiều người hay gọi những tham khảo ấy là “reference”.
Trước khi sản phẩm hoạt hình của bạn được thực hiện, cách dễ nhất để giúp khách hàng (và chính người sản xuất) mường tượng ra được sản phẩm cuối cùng, đó là sử dụng những reference đã có sẵn mà những người đi trước đã từng thực hiện.
Ví dụ sơ qua thì như thế này: sản phẩm hoạt hình của bạn liệu có phong cách vẽ giống với “Samurai Jacks”, đồng thời format giống "Love, Death + Robots" kết hợp với cảm hứng về nội dung từ "Black Mirror"? Nếu đúng như vậy, là bạn đang đi cùng một hướng đi với dự án series hoạt hình "Tàn Thể" mà DeeDee đang phát triển đó!
Sau đây là một số yếu tố chuyên môn mà bạn nên xác định trước khi bắt tay vào sản xuất, và sẽ rất hữu ích khi được minh họa bằng reference:
Nội dung/cách kể chuyện
Phong cách vẽ
Cách thể hiện (nét vẽ, màu sắc)
Chuyển động
GIAI ĐOẠN 2: PRE-PRODUCTION - TIỀN KỲ
Sau khi đã trang bị cho mình những sự chuẩn bị cần thiết, đã đến lúc để chúng ta bắt đầu với giai đoạn pre-production (tiền kỳ).
Giai đoạn này sẽ bao gồm 5 bước chính, có thể được thực hiện lần lượt hoặc song song đồng thời, nếu như có nhiều nhân lực cùng tham gia trong quá trình thực hiện.
Viết kịch bản
Viết kịch bản là một bước khá cơ bản trong lĩnh vực truyền hình / điện ảnh. Việc viết kịch bản cũng yêu cầu người biên kịch cần phải có am hiểu về cấu trúc của một câu chuyện, cũng như format tiêu chuẩn của một kịch bản chuyên nghiệp.
Đối với phim hoạt hình, việc viết kịch bản chữ hoàn toàn là không bắt buộc, nhưng sẽ vô cùng hữu ích nếu đó là một bộ phim hoạt hình có nội dung phức tạp, nhiều nhân vật và nhiều tuyến câu chuyện.
Bên cạnh đó, người biên kịch cũng không cần phải đi quá sâu vào việc mô tả cụ thể hình ảnh, chuyển động của nhân vật, vì phần đó sẽ được các storyboard artist thể hiện tốt hơn rất nhiều bằng nét vẽ.
Thiết kế nhân vật
Tạo hình nhân vật trong phim hoạt hình sẽ được xây dựng nên từ những định hướng ban đầu về phong cách ở giai đoạn 1 (chuẩn bị), và chiều sâu nhân vật được xây dựng từ ý tưởng của người biên kịch.
Hãy lấy bộ thiết kế nhân vật trong phim hoạt hình lịch sử "Bát Nàn" mà DeeDee Animation Studio thực hiện làm ví dụ:
Một tạo hình nhân vật xuất sắc sẽ cần phải thể hiện được đúng ý đồ của đạo diễn. Ví dụ như, đó là một nhân vật phản diện có ngoại hình… đặc trưng của kẻ phản diện (giống như Scar trong “The Lion King”) hay có vẻ ngoài… xinh xắn dễ thương để đánh lừa người xem (như chú cừu Doug trong “Zootopia”)?
Với hoạt hình 2D, thiết kế nhân vật sẽ được thực hiện bởi Art Director hoặc Character Designer, bằng khả năng vẽ tay “tuyệt diệu” của họ. Nhân vật càng được thiết kế tỉ mỉ, kỹ càng (ví dụ: bao gồm các góc xoay, phục trang, biểu cảm khuôn mặt, v...v…) sẽ càng thuận tiện cho quá trình animation trong giai đoạn sản xuất.
Concept art
Concept art là bước hiện thực hóa những ý tưởng ban đầu về nhân vật, thế giới, theo đúng phong cách và định hướng nghệ thuật mà đạo diễn mong muốn cho dự án hoạt hình của mình.
Ở bước này, Art Director sẽ làm rõ những dụng ý, ngôn ngữ nghệ thuật mà mình muốn thực hiện cho dự án hoạt hình 2D của mình, qua đó truyền tải được những ý tưởng ấy cho tất cả mọi người cùng tham gia sản xuất.
Storyboard
Storyboard là bước cực kỳ quan trọng trong quá trình sản xuất điện ảnh và truyền hình. Đặc biệt với phim hoạt hình, thì bước thực hiện storyboard có thể nói là không thể bỏ qua trong giai đoạn tiền kỳ.
Storyboard để hiểu nôm na nhất, chính là kịch bản dạng hình ảnh. Ở bước này, các Storyboard Artists sẽ hiện thực hóa câu chuyện của biên kịch và/hoặc thiết kế tạo hình của Character Designer thành các khung hình tĩnh.
Những hình vẽ trong storyboard không cần quá cầu kỳ, chi tiết, chỉ cần đủ rõ ràng để thể hiện được những dụng ý về điện ảnh như góc máy, bố cục, chuyển động, tiết tấu, v...v… Vậy nên, với các Storyboard Artist, ngoài khả năng vẽ phác thảo “điêu luyện”, cũng yêu cầu rất nhiều về những kiến thức điện ảnh.
Hãy cùng tham khảo trích đoạn storyboard của DeeDee Animation Studio trong phim hoạt hình "Tàn Thể: Tiền Truyện" nhé:
Sau khi thực hiện storyboard, cũng là lúc mà bạn có thể thống kê cụ thể yêu cầu chi tiết về từng cảnh (background, chuyển động, biểu cảm, camera movements,v...v…) để hỗ trợ cho các Animators và Background Artist trong giai đoạn sản xuất.
Để đi sâu hơn về storyboard, có lẽ DeeDee sẽ để dành một dịp khác.
Animatic
Storyboard được hoàn thiện, cũng có nghĩa là bạn cũng đã có được cho mình bản draft (nháp) của phim - hay còn gọi là animatic.
Ở bước này, các khung hình trong storyboard sẽ được ghép nối vào nhau thành một bản video, kết hợp cùng với các yếu tố như timing (căn thời gian và nhịp phim), camera movements (chuyển động camera) hay voice draft (lồng tiếng nháp).
Có thể tham khảo quá trình đi từ storyboard / animatic cho tới những thước phim cuối cùng trong dự án "Huion Will Rock You" của DeeDee Animation Studio, để làm ví dụ minh họa cho vai trò của animatic trong quy trình sản xuất hoạt hình 2D.
Việc thực hiện animatic mang yếu tố cốt lõi trong việc giúp người làm hoạt hình có thể hình dung ra sản phẩm hoạt hình cuối cùng của họ. Khi làm đến đây, chắc chắn bạn sẽ nhận ra những yếu tố mà mình cần phải chỉnh sửa.
Chính vì lẽ đó, đây chính là thời điểm thích hợp để đưa ra những chỉnh sửa, tinh chỉnh phù hợp. Vì đối với hoạt hình 2D, sau khi đã bắt đầu giai đoạn production (sản xuất), sẽ rất tốn công sức để làm lại. Vậy nên, các hãng phim hoạt hình lớn như Pixar đều cắt dựng, chỉnh sửa animatic một cách hoàn thiện nhất có thể, để tối ưu thời gian và công sức trước khi đi vào giai đoạn production đầy thử thách sau đó.
GIAI ĐOẠN 3: PRODUCTION - SẢN XUẤT
Sau khi thực hiện hết các bước trong giai đoạn tiền kỳ, cũng là lúc có thể bắt đầu với quá trình sản xuất.
Với hoạt hình 2D, thì quá trình sản xuất trong giai đoạn này sẽ bao gồm 3 bước chính: vẽ layout & background, diễn hoạt (animation) và composition. Tương tự như ở giai đoạn tiền kỳ, trong quá trình sản xuất, việc vẽ layout & background và diễn hoạt chuyển động nên được thực hiện song song đồng thời với nhau bởi các đội ngũ chuyên biệt, để có thể đảm bảo tiến độ sản xuất được tối ưu nhất có thể.
Vẽ layout & background
Background là một phần không thể thiếu trong mỗi cảnh phim hoạt hình 2D, vì nó vừa mang đến context (bối cảnh) cho từng cảnh phim và gắn kết câu chuyện, vừa là điểm nhấn ấn tượng về mặt thị giác.
Công việc vẽ layout và background là vai trò được đảm nhiệm bởi các họa sĩ background artists, những người có khả năng hội họa rất vững. Background sẽ được sáng tạo và phát triển dựa trên storyboard và animatic, với sự cân nhắc kỹ càng về dụng ý nghệ thuật và mục đích kể chuyện của từng cảnh phim.
Vẽ background là một trong số 2 công đoạn có thể nói là quan trọng và tốn công sức nhất trong quy trình sản xuất hoạt hình 2D (bên cạnh diễn hoạt chuyển động animation). Do đó, bản thân công đoạn này cũng yêu cầu các background artists cần phải thực hiện đúng quy trình theo 5 bước cơ bản.
Quy trình ấy bao gồm: vẽ thumbnail, vẽ phác thảo, đi nét, đổ màu và thêm hiệu ứng. Các bạn có thể tham khảo quy trình sản xuất background dưới dạng animated gif mà DeeDee Animation Studio đã thực hiện cho Garena Vietnam trong dự án video hoạt hình “Free Fire” gần đây:
Sau khi đã thực hiện 5 bước cơ bản ấy, thì background của bạn đã sẵn sàng cho bước kế tiếp: composition.
Animation
Tuy nhiên, trước khi có thể bắt đầu với composition, đừng bỏ quên phần quan trọng nhất trong một sản phẩm hoạt hình 2D: animation (diễn hoạt chuyển động).
Animation (bắt nguồn từ “animate”) đơn giản là “tạo ra sự sống” cho nhân vật. Cách hiểu này chuyên sâu hơn rất nhiều so với chỉ “tạo ra chuyển động” thông thường, vì nó còn bao gồm cả cảm xúc và trải nghiệm của nhân vật trong đó.
Thiết kế nhân vật đã có, bối cảnh background đã có (hoặc đang được song song thực hiện), việc cần làm bây giờ là hãy giúp nhân vật được “sống” trong những bối cảnh ấy. Vậy ở bước này, nhà sản xuất hoạt hình phải làm như thế nào?
Nếu như các animators đã được trang bị sẵn storyboard và animatic chi tiết nhất có thể, thì công việc của họ sẽ được trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Với lĩnh vực digital animation 2D hiện đại (sử dụng những phần mềm diễn hoạt chuyên nghiệp như Toon Boom Harmony), thì việc làm animation sẽ có thể được chia làm 2 phong cách chính: cut-out animation và hand-drawn animation.
Hand-drawn animation bắt nguồn từ phong cách hoạt hình vẽ tay trên giấy truyền thống (traditional animation), yêu cầu người làm hoạt hình phải trực tiếp vẽ chuyển động cho nhân vật theo từng khung hình một (frame by frame). Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại ngày nay, thì công việc này được hoàn toàn thực hiện trên máy tính (paperless), giúp cho quy trình thực hiện dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Phong cách hoạt hình hand-drawn animation thường được biết đến với những chuyển động mượt mà, và trải nghiệm sản xuất vô cùng thú vị (yêu cầu phải vẽ tay rất nhiều trên bảng vẽ điện tử).
Bên cạnh đó là cut-out animation, một phương pháp thực hiện mới trong những thập kỷ gần đây nhờ các công cụ hỗ trợ. Phương thức diễn hoạt này yêu cầu các animators phải tạo cho nhân vật một khung xương “ảo” (rig), và từ đó tạo chuyển động cho nhân vật. Cut-out animation sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình sản xuất, nhưng lại không có sự linh hoạt như với phương pháp hand-drawn. Tuy nhiên, đây cũng là một sự lựa chọn tối ưu cho những dự án hoạt hình thương mại, hoặc tv-series, không có yêu cầu quá cao về kỹ thuật sản xuất.
Việc tạo “sự sống” cho nhân vật ở bước này sẽ được thực hiện bởi các animators. Với đòi hỏi và yêu cầu rất lớn về công sức thực hiện để đảm bảo chuyển động được mượt mà, sống động, không ngạc nhiên khi công đoạn diễn hoạt sẽ chiếm phần lớn thời gian trong quy trình sản xuất hoạt hình 2D.
Để thực hiện được những chuyển động cho nhân vật một cách chân thực và sống động nhất, cần phải tuân thủ chặt chẽ 12 nguyên tắc cơ bản về hoạt hình, mà bất cứ animator nào cũng cần phải nắm rõ.
Composition
Sau khi đã hoàn thiện background và animation của một cảnh, bạn đã có thể ghép 2 yếu tố đó vào với nhau thành một sản phẩm hoạt hình “gần như” là hoàn thiện. Công đoạn này được gọi là composition.
Đừng vội nghĩ tới đây là đã xong nhé! Thông thường, trong công đoạn composition, nhiều lỗi trong những quá trình trước đó “vô tình” hiện ra, yêu cầu nhà sản xuất hoạt hình phải giám sát, và quay lại sửa lỗi để sản phẩm hoạt hình được hoàn thiện nhất có thể.
Nếu như không còn gì phải sửa, thì bạn cũng đã sẵn sàng để bước sang giai đoạn thứ 3: post-production (hậu kỳ).
GIAI ĐOẠN 4: POST-PRODUCTION - HẬU KỲ
Đúng như tên gọi của nó, ở giai đoạn post-production (hậu kỳ), sẽ chủ yếu yêu cầu bạn phải tinh chỉnh, hoàn thiện sản phẩm hoạt hình của mình, mà không yêu cầu phải sản xuất bất cứ thứ gì mới - giai đoạn đó đã qua rồi!
Tuy nhiên, đừng vì chủ quan mà đánh giá thấp những công đoạn hậu kỳ này nhé! Giai đoạn này có thể “hô biến” cho một sản phẩm hoạt hình 2D “dở” thành “tốt”, và một sản phẩm “tốt” trở thành “xuất sắc”. Vậy nên, hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong giai đoạn này, để những cố gắng của bạn (và của tất cả mọi người) trong những giai đoạn trước đó không bị uổng phí.
Editing
Với một bản composition hoàn thiện, hãy để cho một editor chuyên nghiệp sử dụng những “ma thuật” của mình. Bước này yêu cầu bạn (một editor) cắt gọt, bố trí lại những footage hoạt hình sao cho hợp lý.
Thông thường, sản phẩm mà các đạo diễn mường tượng ra ban đầu (ở giai đoạn biên kịch hay storyboard), sẽ… rất khác so với sản phẩm hoạt hình đầu ra. Đây vừa là một điều… không may, vừa là một cơ hội để các editor có thể làm ra những bất ngờ thú vị, không hề tính toán trước.
Công việc cắt dựng thường sử dụng những phần mềm chuyên dụng như Final Cut Pro hay Adobe Premiere Pro - những công cụ cho phép người sử dụng có thể nhanh chóng cắt gọt, tùy biến những thước phim mà bạn có, để có được một sản phẩm hoạt hình hoàn thiện cuối cùng.
Để làm được việc này, editor cần phải có cảm nhận rất tốt về nhịp phim (ví dụ như: đoạn phim này nhanh hay chậm, cảnh này thừa hay thiếu, làm thế nào để cho cảnh này thú vị hơn, v...v…)
Voice, Sound & Music
Công đoạn tiếp theo đó là lồng tiếng, âm thanh và âm nhạc. Một lỗi mà những người làm hoạt hình thường xuyên mắc phải đó là bỏ qua (hoặc đánh giá thấp tầm quan trọng) của công đoạn này. Không quá ngạc nhiên khi hoạt hình thường chỉ xoay quanh phần “hình ảnh”.
Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh sẽ thừa hiểu: trải nghiệm xem một bộ phim điện ảnh thì 60% là nhờ âm thanh, và 40% là nhờ hình ảnh. Hình ảnh chưa đẹp, có thể sẽ được âm thanh… cứu. Nhưng âm thanh mà tệ thì…
Ở công đoạn này, nếu như được làm việc với những diễn viên lồng tiếng, hay những audio producer chuyên nghiệp, mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều! Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể tự mình thử sức với công đoạn này xem sao, với phần mềm Adobe Premiere Pro hoặc Adobe Audition.
Visual Effects
Kỹ xảo hình ảnh là những hiệu ứng (visual effects) mà bạn có thể bổ sung thêm vào dự án của mình để sản phẩm đầu ra cuối cùng được hoàn thiện và sống động nhất có thể. Những hiệu ứng, kỹ xảo này có thể được trực tiếp thực hiện trên những phần mềm làm hoạt hình của bạn (Toon Boom Harmony) hay trên những phần mềm cắt dựng (Adobe Premiere Pro hay Adobe After Effects).
Những hiệu ứng này bao gồm: làm mờ (blur), rung lắc (shaking), chỉnh màu (color grading), hay thậm chí là cả những hiệu ứng phức tạp hơn nữa mà bạn có thể chủ động tìm hiểu, thử nghiệm và áp dụng.
Export / Rendering
Sau khi đã làm đến đây, và cảm thấy rằng mình không thể cải thiện thêm được gì nữa trong khoảng thời gian, công sức hay chi phí cho phép, đã đến lúc để export (xuất file) ra phiên bản cuối cùng. Xin chúc mừng! Bạn đã hoàn thiện lấy cho mình một sản phẩm hoạt hình 2D theo đúng quy trình sản xuất chuyên nghiệp.
Ở bước này, hãy chú ý đến những yêu cầu của khách hàng, nhà sản xuất, cũng như của các nền tảng phát hành về kích thước màn ảnh, số khung hình trên giây, âm thanh, v...v… để sản phẩm đầu ra được đạt yêu cầu.
Hãy cố gắng export ra file có chất lượng cao nhất có thể, để sản phẩm hoạt hình của bạn không bị vỡ hình, giật, hay bị giảm chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải cân đối với việc dung lượng file phù hợp, không quá lớn. Do đó, ở DeeDee Animation Studio, chúng mình thường sử dụng file .mp4 làm đầu ra sản phẩm cuối cùng.
KẾT
Để tóm tắt lại quy trình sản xuất một sản phẩm hoạt hình 2D một cách ngắn gọn nhất, thì công việc này sẽ yêu cầu 4 giai đoạn chính: preparation (chuẩn bị), pre-production (tiền kỳ), production (sản xuất) và post-production (hậu kỳ).
Mục đích của giai đoạn preparation (chuẩn bị) là để giúp người làm hoạt hình làm rõ được định hướng cho sản phẩm của mình. Trong đó, việc xác định rõ yêu cầu & mục đích, đối tượng khán giả, nguồn tài nguyên, cũng như tài liệu tham khảo, là những bước tối thiểu cần có, để có thể soạn ra một kế hoạch sản xuất chặt chẽ và hiệu quả.
Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, thì bạn mới có thể bắt đầu với quá trình tiền kỳ. Ở giai đoạn này, sẽ cần phải thực hiện các bước như: viết kịch bản, thiết kế nhân vật, làm concept art, vẽ storyboard và dựng animatic. Những bước này có thể được thực hiện lần lượt hoặc song song, nhưng yêu cầu càng chi tiết càng tốt, để có thể tối ưu về thời gian trong quá trình sản xuất.
Giai đoạn sản xuất của một sản phẩm phim hoạt hình bao gồm 2 phần việc chính: vẽ layout & background và diễn hoạt chuyển động (animation). Tương tự như trên, 2 bước này có thể được thực hiện lần lượt hoặc song song, cho tới khi có thể được lắp ráp vào nhau ở bước composition.
Giai đoạn hậu kỳ cuối cùng trong một dự án hoạt hình 2D sẽ bao gồm bước cắt dựng, lồng tiếng, âm thanh, âm nhạc, kỹ xảo hình ảnh, cũng như xuất ra phiên bản cuối cùng với chất lượng tốt nhất.
Sau khi thực hiện hết các bước qua 3 giai đoạn trên là bạn đã có cho mình một sản phẩm hoạt hình 2D hoàn thiện theo đúng một quy trình sản xuất chuyên nghiệp rồi đó!
-
DeeDee Animation Studio
contact@deedeestudio.net
תגובות